Nước tiểu vốn dĩ chỉ được xem như là một thứ nước thải và không có công dụng gì nhiều trong cuộc sống hiện đại. Có thể bạn đã từng nghe qua những câu chuyện về việc nước tiểu cứu sống người khi đang ở sa mạc, nhưng ngoài việc đó ra thì nó có khá ít ứng dụng thực tế khác. Thế nhưng, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nước tiểu còn có thể trở thành một nguồn cung vô hạn cho nhiều lĩnh vực thiết yếu của xã hội. Hãy cùng điểm qua một vài công dụng không ngờ của nước tiểu qua bài viết dưới đây.
Điện thoại dùng năng lượng … nước tiểu
Hiện nay, số lượng người sử dụng smartphone đã tăng mạnh và một trong những vấn đề mà người sử dụng rất quan tâm đó là việc tiêu thụ năng lượng của những chiếc điện thoại thông minh này. Mới đây, Tiến sĩ Ioannis Ieropoulos của phòng thí nghiệm Robotics Bristol và nhóm của ông đã phát triển một phương pháp sạc pin thông qua nước tiểu. Phương pháp này cho phép nước tiểu chạy qua những vi mạch nhiên liệu siêu nhỏ (MFC), chuyển hóa nước tiểu thành điện năng và nó có thể cung cấp năng lượng cho điện thoại đủ để gửi những tin nhắn, duyệt web hay gọi điện.
Phương pháp này vẫn đang được nghiên cứu và chỉ có thể sản sinh một lượng điện nhỏ, nhưng các nhà khoa học vẫn rất lạc quan về giá trị tiềm năng của nó. Tổ chức Bill and Melissa Gates – người tài trợ chính cho dự án này – hi vọng rằng với những chiếc điện thoại thông minh dùng năng lượng “nước tiểu”, chúng ta có thể mong đợi một hướng đi mới cho những chiếc smartphone trên thế giới.
Giải pháp hữu hiệu trong cuộc khủng hoảng tài nguyên nước
Để sống sót khi bị lạc giữa sa mạc, rừng rậm hay một nơi không có nước thì nước tiểu của chính mình vẫn là lựa chọn số một để sinh tồn. Nếu ai đã từng xem chương trình truyền hình nổi tiếng của Bear Grylls thì câu chuyện này không hề xa lạ nữa. Thế nhưng với cuộc khủng hoảng tài nguyên nước như hiện nay,đặc biệt là nước sạch, việc uống...nước tiểu có thể sẽ được đưa vào ứng dụng thực tế trong một tương lai không xa.
Với công nghệ mới giúp tái chế nước tiểu một cách hiệu quả và rẻ hơn, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ tuyên bố rằng tái chế nước tiểu có thể trở thành một giải pháp lâu dài trong cuộc khủng hoảng nước hiện nay. Việc trực tiếp xử lí nước tiểu từ hệ thống nước thải của chúng ta sẽ nhanh hơn rất nhiều với công nghệ hiện nay. Và các nhà khoa học còn cho thấy lợi thế của nước tái chế từ nước tiểu hơn so với nước sạch, ít rủi ro mắc các bệnh từ nguồn nước hiện nay. Nó còn có thể giúp cơ thể phục hồi lượng phốt-pho mà đã thải ra qua nước tiểu.
Giải pháp chống ô nhiễm
Theo Cơ quan Dự báo thời tiết của Liên Hợp Quốc, lượng CO2 đo được ở thời điểm hiện tại đã nằm ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lượng CO2 trong khí quyển ở năm 2012 là 393.1 ppm, nhiều hơn 2.2 ppm so với năm 2011. Theo các chuyên gia, dự kiến năm 2016, con số này sẽ lên tới khoảng 400 ppm, vượt xa con số cho phép là 350 ppm. CO2 chính là tác nhân chính trong sự nóng lên toàn cầu, gây ra nhiều biến đổi trên Trái Đất.
Tất cả mọi người đang cùng chung tay để giải quyết vấn đề ô nhiễm này và một trong những giải pháp hữu hiệu đó là sử dụng nước tiểu. Mới đây, các nhà khoa học đến từ Andalusia đã phát hiện ra rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể được ngăn chặn bởi một hỗn hợp kì lạ của nước tiểu và nước thải từ ôliu. Họ phát hiện ra rằng thứ “cocktail” kì lạ này có thể hấp thụ CO2 khi chúng tiếp xúc với không khí. Hỗ hợp này có thể được đặt trong những ống khói của các nhà máy, nơi lượng khí thải CO2 thường đi qua và góp phần giảm thiểu chất khí này trong khí quyển.
Nghiên cứu sự biến đổi khí hậu
Thỏ đá là một loài gặm nhấm xuất hiện khá nhiều ở Châu Phi, còn được biết đến với cái tên Pelele. Với bộ lông màu nâu xám, xù xì, nếu nhìn qua chúng sẽ không có gì đặc biệt, ngoại trừ nước tiểu của chúng được các nhà khoa học chứng minh có mối liên hệ mật thiết đến tình hình biến đổi khí hậu.
Điểm đặc biệt của thỏ đá đó là chúng thường chỉ chọn một địa điểm nhất định để đi tiểu và nước tiểu của chúng ngấm sâu xuống đất và thấm vào nhiều thứ như phấn hoa, lá khô. Những thứ đó giúp các nhà khoa học tìm hiểu diễn biến của sự biến đổi khí hậu theo thời gian. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Pháp Montpelier đã nghiên cứu các lớp nước tiểu khô của chúng rồi so sánh kết quả với các giả thiết ngày nay về sự biến đổi của khí hậu trong quá khứ.
Họ kết luận rằng, những kết quả so sánh trùng khớp với những con số về sự biến đổi khí hậu trong những năm qua, như cách sông băng tan ở Châu Âu trong những thời điểm cuối cùng của kỉ băng hà và cách những hồ nước hình thành sau khi Trái Đất ấm lên…Các nhà khoa học tin rằng nước tiểu của loài thỏ đá sẽ là một công cụ hữu ích trong việc dự đoán biến đổi khí hậu trong tương lai.
Xe hơi chạy bằng … nước tiểu
Trong thập kỉ qua, những chiếc ô tô chạy bằng năng lượng thay thế đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cả thế giới và với những công ty chuyên sản xuất ô tô thì vấn đề về lượng khí thải luôn được đặt lên hàng đầu. Cũng có những chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu hydro được ra đời nhưng rất khó để tạo ra một lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Đây là một trong những khó khăn cho các công ty lớn sản xuất đại trà loại ô tô này ra thị trường.
Để giải quyết điều này, Tiến sĩ Gerardine Botte của trường đại học Ohio đã phát minh ra một phương pháp điện phân có thể trích xuất hydro từ nước tiểu sử dụng ít năng lượng hơn. Với công nghệ này, Tiến sĩ Botte hi vọng rằng việc sử dụng những chiếc xe hơi chạy bằng khí hydro trích xuất qua nước tiểu có thể trở thành hiện thực. Cô giải thích rằng, vì hydro trong nước tiểu dễ tách hơn trong nước, vì vậy với phương pháp này chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều năng lượng tiêu hao trong quá trình điện phân.
Mục tiêu của công trình nghiên cứa này là giải quyết được hai vấn đề: 1- cung cấp nguồn nhiên liệu sạch cho ngành ô tô. 2- tận dụng tối đa nguồn nước tiểu sẵn có để giảm chi phí giá thành hydro chạy cho xe hơi. Tuy mới chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu nhưng nó cũng mở ra cho ngành nhiên liệu xe hơi một hướng đi mới trong tương lai.
Tái tạo tế bào thần kinh
Chúng ta đều biết hậu quả khủng khiếp thế nào đối với những người được phát hiện mắc các bệnh về thoái hóa tế bào thần kinh. Do não là cơ quan duy nhất trên cơ thể con người mà các tế bào chỉ ngày một chết đi chứ không hề sản sinh ra.
Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã đưa ra một tuyên bố gây chấn động trong giới y học thế giới. Khi họ nói rằng họ có thể tách được tế bào gốc từ nước tiểu. Từ các tế bào gốc này họ sẽ nuôi chúng trở thành các tế bào thần kinh như mong muốn.
Chưa biết phải mất bao nhiêu thời gian nữa các nhà khoa học mới đưa được phát minh này vào thực tế nhưng đây cũng là một tin vui đối với các bệnh nhân mắc bệnh về não như Parkinson.
Nhiên liệu cho tên lửa
Mới đây, một nhà khoa học đến từ đại học Radboud, Hà Lan đã phát triển một phương pháp độc đáo giúp biến nước tiểu trở thành nhiên liệu tên lửa. Nhà vi sinh vật học Mike Jetten nói rằng có một loại vi khuẩn có thể sống sót và sinh sôi trong môi trường thiếu oxy, có thể chuyển đổi chất amoniac của nước tiểu thành hydrazine, một loại nhiên liệu tên lửa.
Đây quả thực là một điều tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Khả năng này của vi khuẩn đã được nhiều người biết tới nhưng quá trình phức tạp trong việc chuyển đổi chỉ mới được phát hiện gần đây bởi Jetten và nhóm của ông, mở ra một tương lai cho việc ứng dụng vi khuẩn vào thực tế. Với hàng triệu gallon ammoniac được sản sinh hàng ngày từ phòng tắm của chúng ta, các nhà khoa học hi vọng rằng có thể sản xuất một lượng lớn nhiên liệu tên lửa từ nguồn cung cấp vô hạn này.
Chế tạo nhựa từ … nước tiểu heo
Nước tiểu heo đang là một vấn đề nhức nhối của Đan Mạch. Thống kê có khoảng 20 triệu chú heo trên đất nước này và mỗi ngày chúng thải ra hàng triệu gallon nước tiểu, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thật may mắn, một công ti có tên Agroplast đã đưa ra một giải pháp độc đáo cho tình trạng mất vệ sinh này. Họ đang có kế hoạch sản xuất những chiếc thìa nhựa từ chính nguồn nước tiểu vô hạn này. Họ dự định sẽ chuyển hóa một số hợp chất của nước tiểu thành nhựa thô sẽ được sử dụng trong những chiếc thìa dĩa nhựa. Vốn dĩ nước tiểu heo không mang lại lợi ích gì mà phương pháp này còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm hiện nay của Đan Mạch.
Nhựa sinh học không phải là một khái niệm mới trên thế giới. Người ta tạo ra chúng từ dầu thực vật, tinh bột ngô hay cellulose của thực vật. Tuy nhiên, quá trình sản xuất này tốn nhiều tiền hơn so với sản xuất từ các nguyên liệu hóa thạch. Và Agrolast tuyên bố, biến nước tiểu lợn thành nhựa sẽ giảm thiểu một phần ba chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống.
Cao su tự phục hồi
Cao su là một vật liệu có khả năng co giãn, mềm và có khả năng tạo hình khối theo ý thích, tuy nhiên khi tiếp xúc với mốt số điều kiện như nhiệt độ, nó bị bẻ gẫy dễ dàng. Lấy cảm hứng từ việc này, nhà vật lý người Pháp Ludwik Liebler phát minh ra một loại cao su siêu bền có khả năng tự phục hồi nguyên dạng từ … nước tiểu.
Chất liệu tuyệt vời này được tạo ra bằng cách kết hợp ure và dầu thực vật.Và khi bị tách làm hai, loại cao su đặc biệt này có thể dính lại với nhau và trở về hình dạng ban đầu. Công dụng của loại cao su này là vô tận. Nếu thực sự có khả năng đưa vào thực tế và chế tạo thành công, chúng ta sẽ sớm sở hữu những chiếc siêu lốp xe, siêu giày, găng tay,…không bao giờ bị hỏng hay bào mòn bởi tác động từ bên ngoài.