Latest Post

Tại nhiều thị trường, quảng cáo 30 giây đã làm người xem “ngộp”. Các thương hiệu lớn lại nghĩ đến những nội dung PR mang tính giải trí, giáo dục. Thậm chí dài… đến 5 phút. 

Quảng cáo nhưng không quảng cáo

Có thể nói BMW đã ghi dấu vào trong lịch sử tiếp thị thế giới khi lần đầu tiên tung ra loạt 8 phim ngắn 8-9 phút cho cộng đồng mạng xem và load miễn phí vào năm 2001 tại Mỹ. Đây cũng có thể coi là cột mốc của cái gọi là “branded content” (nội dung lồng ghép quảng cáo).

Năm 2000, sau hàng loạt các nghiên cứu người tiêu dùng tại Mỹ, BMW phát hiện ra rằng trước khi quyết định mua xe các khách hàng tiềm năng thường sử dụng internet như là một công cụ chính để tìm kiếm thông tin.

Trên cơ sở đó, BMW quyết định phát triển một cách tiếp cận mới – đó là làm một loạt phim ngắn có cốt truyện hẳn hoi, tốc độ nhanh, do những người nổi tiếng thủ vai như “nữ hoàng nhạc Pop” Madona, “Ông vua nhạc Soul” James Brown… và giao cho các đạo diễn tài năng thực hiện như Ang Lee, John Woo, Guy Ritchie, Wong Kar-Wai…Và trên hết dự án này được giao cho công ty quảng cáo Fallon Worldwide, chỉ có 4 văn phòng chi nhánh trên thế giới nhưng lại nổi tiếng về sáng tạo.  

The Hire

Toàn bộ 8 phim ngắn (The Hire) đều nói một người lái xe thuê do nam tài tử Hollywood Clive Oven thủ vai nhằm đề cao những tính năng siêu việt của BMW như chống đạn, hệ thống định vị toàn cầu… Quan trọng hơn, loạt phim giúp định vị BMW là dòng xe cao cấp, dành cho những người có thể ảnh hưởng được những người khác.  

Trong phim, Clive Owen là người lái xe thuê (tất nhiên là BMW) luôn thực hiện sứ mệnh lái xe cho thân chủ mình là những người nổi tiếng cũng như thương gia, chính trị gia, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, nhà báo, người mẫu. 

Anh đảm nhiệm những nhiệm vụ bất khả thi như đem vali trong đó có bộ não còn sống để thực hiện ca ghép não cho một chính trị gia Châu Phi hay đem những cuộn phim về cuộc thanh toán đẫm máu ở Nam Mỹ do một nhà báo chụp được sau này được trao tặng giải Pulizer hoặc đưa ông vua “con” ở Trung Quốc lánh nạn qua Mỹ. Điều mọi người xem nhận thấy người lái xe thuê đó là tính kỷ luật, trung thành và đặc biệt là tính nhân bản. 

Câu chuyện hay, tiết tấu nhanh, cảnh quay đẹp và cộng với diễn xuất tài tình đã tạo ra một cơn sốt của những người mê phim và mê xe. Chỉ trong 4 tháng sau khi load lên trang web của BMW,  đã có hơn 2 triệu người đăng ký để xem và gởi đường link cho bạn bè và người thân. Tổng cộng trong năm đó đã có hơn 11 triệu lượt người xem, giúp doanh số BMW tăng 12% so với năm trước đó.


Hiện nay, hàng loạt các thương hiệu lớn từ Pantene cho đến Virgin America đều hướng đến những quảng cáo dài. Chưa cần phát trên TV, chỉ cần tung lên mạng thôi là cũng đã đủ! Đơn cử phim 4 phút cô gái câm chơi violin của Pantene (Thái Lan, You Can Shine) thực hiện trước đây đã có hơn 5 triệu lượt người xem. Hoặc gần đây nhất là hướng dẫn an toàn trên máy bay của hãng Virgin America (Virgin America Safety Video) có hơn 6 triệu lượt xem trên Youtube, một con số cực kỳ ấn tượng.

PR nặng tính giải trí, giáo dục
Hầu hết các kênh ở Việt Nam có khung giờ 3 phút – còn gọi là “Tự Giới Thiệu” (TGT), với giá phát sóng rẻ hơn nhiều (so với giờ phát TVC). Nhiều thương hiệu đã tận dụng được thời lượng dài này để làm những phim giới thiệu về sản phẩm mới, hoặc giáo dục cho khách hàng về vấn đề gì đó.

Thông thường những phim TGT dạng này thường được đầu tư thấp từ 100 – 200 triệu, đi theo cách tiếp cận phóng sự tài liệu (Documentary) – hoàn toàn không phải dựng cảnh mới, nghĩa là thực hiện theo kiểu “có sao quay vậy”. Nội dung thường bắt đầu từ một buổi hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm mới; rồi từ đó bắt qua nhà máy, dây chuyền sản xuất, lợi thế của sản phẩm, điểm bán, ý kiến của người tiêu dùng…

Cách tiếp cận thiếu tính giải trí này cũng như chất lượng phim thấp (so với TVC 30 giây) nên nhiều lúc làm người xem chuyển kênh. Một số thương hiệu lớn như Vinamilk đã bắt đầu “để mắt” đến thể loại phim dài 3 phút.


Thậm chí, Vinamilk còn thực hiện phim “Chuyện về ly sữa 100%” thời lượng kỷ lục 5 phút, được đầu tư nghiêm túc với cách tiếp cận khá mới. Vẫn theo cách phóng sự tài liệu, phim của Vinamilk còn “đẩy” thêm tính “giải trí” để tăng tính hấp dẫn nhưng vẫn bảo đảm tính giáo dục, thông tin. 

Phim lấy bối cảnh là một câu lạc bộ “Em yêu khoa học” tại một trường cấp 1. Tại đây, các em thảo luận về đề tài “Làm thế nào để có ly sữa tươi thơm ngon bổ dưỡng”. Ngoài cô giáo hướng dẫn câu lạc bộ, phim còn có một nhân vật gọi là Người khám phá do diễn viên điện ảnh Trung Dũng thủ vai, giúp dẫn dắt các em đi tìm hiểu những vấn đề liên quan đến  – từ cuộc phỏng vấn chuyên gia dinh dưỡng cho đến tham quan trang trại nuôi bò sữa, nhà máy sản xuất… 

Điều đáng nói là phim được đầu tư và thực hiện bài bản – từ khâu kịch bản phân cảnh, chọn vai, bối cảnh, phục trang, trang điểm cho đến máy móc thiết bị, ánh sáng, ê-kíp, diễn viên chuyên nghiệp (diễn viên điện ảnh Trung Dũng)… 

Ông Chung Anh, Giám đốc kinh doanh, Thre3 Communications cho biết: “Hiện nay, khán giả xem đài có quá nhiều chương trình giải trí để chọn. Nếu thấy quảng cáo nhàm chán họ sẽ chuyển sang kênh khác. Đầu tư vào những nội dung PR vừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục là một định hướng tốt!”

Trong khoa học quân sự, Flanker Strategy (chiến lược tấn công sườn) dùng để hỗ trợ cho mũi tấn công chính, phá rối và gây rối loạn cấu trúc quân đội đối phương. Để dành chiến thắng trận Waterloo lừng lẫy (liên minh Anh Đức hợp sức đánh Pháp tại địa phận làng Waterloo, địa phận nước Bỉ), công tước người Anh Wellington  đã áp dụng rất thành công chiến lược này để đánh bại đội quân bách chiến bách thắng thời ấy của thiên tài quân sự người Pháp Napoleon.


Trong marketing & branding, các nhà quản trị chiến lược “vay mượn” rất nhiều các học thuyết quân sự trong chiến tranh. Trong đó có chiến lược Flanker Strategy.

Chiến lược này được áp dụng khi một thương hiệu đã “thành danh” trên thị trường và tung ra một thương hiệu nhánh cùng chủng loại với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì tính chất này, Flanker Strategy về bản chất liên quan đến một vấn để rất nhiều thương hiệu gặp phải: quản trị đa thương hiệu có cùng chủng loại (multi-branding management).

Mục tiêu chính của chiến lược này là nhằm góp phần mở rộng thị trường, tăng doanh số. Nhất là trong trường hợp một thươnghiệu nhánh “chơi” trên sân chơi cấp thấp hơn so với thương hiệu đã thành danh trước đó. Điển hình gần đây là dòng sản phẩm mới giá rẻ (so với các series của Iphone trước đó) Iphone 5C của Apple đã đóng góp vào tăng sale dòng Iphone của mình. Theo thống kê của trang Forbes, sau 3 tuần ra mắt, bộ đôi 5S & 5C đã bán được 9 triệu máy. Một con số kỷ lục kể từ khi series Iphone của Apple ra mắt năm 2007.

Trong quân sự, nhiệm vụ tối thượng của cánh quân đánh tập kích sườn là phá vỡ kết cấu vững chắc đội quân chính của đối phương. Nguyên tắc thành công của chiến lược này là nhanh, gây bất ngờ cho đối phương từ đó quyết định đến kết cục của cả cuộc chiến. Khi đồng minh của quân Anh là quân Phổ tập kích vào sườn quân Pháp, đoàn quân tinh nhuệ của Napoleon nhanh chóng rối loạn và mất tinh thần (điều hiếm khi xảy ra đối với tướng sỹ Pháp thời ấy vốn được đạo tạo huấn luyện rất tốt).

Trong quản trị thương hiệu, nhiệm vụ tối thượng khi tung ra thương hiệu nhánh là tấn công trực diện vào thị phần của đối thủ cạnh tranh có phân khúc gần với thương hiệu “anh em” của mình (một dạng chiến lược phòng thủ từ xa). Ví dụ điển hình gần đây trên thị trường xe máy tại Việt Nam là Honda tung ra dòng sản phẩm SH Mode để cạnh tranh với Piaggio trên phân khúc “xe máy thời trang”.

Piaggio

Honda đối với người Việt từ lâu đã có liên tưởng thương hiệu dẫn đầu về chất lượng. Giá trị cốt lõi của Honda: xe máy bền nhất. Người sử dụng không có nhu cầu về self-expression (thể hiện bản thân) khi mua một chiếc Honda.  Ngược lại, Piaggio không chỉ đơn giản là một chiếc xe máy. Với nhiều người, Piaggio là một sản phẩm thời trang và đại diện cho sự lãng mạn và quyến rũ của văn hóa Ý. Người sở hữu Piaggio sẽ cảm thấy có một “vị thế cảm xúc” cao hơn bất kỳ loại xe máy nào. Phiên bản xe SH Mode của Honda cũng chạy theo định vị này. Tại buổi ra mắt sản phẩm mới, đích thân tổng giám đốc Honda xuất hiện với y phục và phong cách thời trang Italy để cổ suý cho chiến lược định vị theo đối thủ cạnh tranh Piaggio. Với mục tiêu “tấn công từ xa” Piaggio bằng thương hiệu SH Mode, có vẻ như Honda đang thực thi chiến lược Flanker một cách có tính toán. Tuy nhiên, rào cản thành công của chiến lược này đến từ chính thế mạnh của Honda: xe máy chất lượng. Chất lượng là chức năng. Thời trang là cảm xúc. Không hẳn loại trừ nhau nhưng thật khó trở thành liên tưởng dẫn đầu cho cả hai cùng một lúc. SH sống nhờ cái bóng của Honda. Và SH cũng khó “cá chép hoá rồng” chỉ vì Honda. SH Mode nếu thành công, cũng chỉ dừng lại ở vai trò “quấy phá” sân chơi của Piaggio. Khó có thể hy vọng thương hiệu nhánh này của Honda hạ gục được Piaggio trên phân khúc xe máy thời trang. Trận Waterloo trên thị trường xe máy Việt Nam, vì vậy, có thể chưa xảy ra trong thời gian gần.

Nguyên tắc số một của Flanker strategy là sự xuất hiện của thương hiệu nhánh là không được ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của “thương hiệu anh em” đã tồn tại trước đó. Đây là bài toán đánh đổi giữa tăng doanh số (về ngắn hạn) và hình ảnh thương hiệu (về dài hạn). Cái giỏi của “tướng cầm quân” (các CEO và CMO) khi áp dụng chiến lược flanker là cân bằng (thậm chí tối ưu hoá) được cả hai mục tiêu này. Không đơn giản. Kể cả đối với thương hiệu toàn cầu lừng danh như Apple.

Sự xuất hiện của thương hiệu nhánh là không được ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của “thương hiệu anh em” đã tồn tại trước đó 

Cho đến nay tranh luận của các chuyêngia marketing về vai trò và ảnh hưởng của dòng sản phẩm Iphone 5C vẫn chưa ngã ngũ. Trước tiên, nên ngừng tranh luận chữ “rẻ” của 5C. Bản thân 5C không rẻ hơn 5S nhiều. Nó cũng không rẻ hơn các dòng smart phone khác như Samsung hay HTC. Nhưng quan trọng là nó “rẻ” hơn 5S và các dòng Iphone trước đó. Và trong nhận thức người mua, nó là dòng giá rẻ khi nói về Iphone. Truyền thông (các ấn phẩm có uy tín như Forbes, CNN Money hay Bloomberg đều gọi 5C là lower-price phone, còn 5S là flagship). Theo thống kê mới nhất của Forbes, kể cả mục tiêu tăng sales (mục tiêu đầu tiên của chiến lược flanker trong marketing) cũng không như Apple mong đợi: cứ 3 cái bán ra thì 5S chiếm 2, còn 5C chỉ có 1. Bản thân Apple đang giảm công suất ban đầu 300,000 cái/ngày xuống 150,000 cái/ngày (theo CNN Money). Nhìn rộng hơn về hình ảnh thương hiệu (ít nhất là tại các nước phát triển), cụm từ “rẻ” của Iphone 5C đang ngấm ngầm “làm hại” hình ảnh cao cấp của Apple nói chung và Iphone nói riêng. Có vẻ như Tim Cook đã nhận ra điều này khi phát biểu tại lễ ra mắt sản phẩm Ipad Air mới đây: luôn có tiềm năng trên phân khúc đại chúng. Nhưng chúng tôi không nằm trong phân khúc đó. 

Trận Waterloo lịch sử đã chính thức đặt dấu chấm hết cho tên tuổi của hoàng để người Pháp Napoleon đồng thời mốc son làm nên tên tuổi của công tước người Anh Wellington. Với chiến lược Flanker Strategy các thương hiệu vẫn đang phát huy công cụ khá hữu hiệu để mở ộng thị trường hay “tấn công chủ động” đối thủ cạnh tranh. Nhưng chúng ta vẫn chưa được chứng kiến một trận Waterloo thực sự long trời lở đất nào trong thế giới marketing hiện đại. Nếu nay mai có xảy ra, đó chắc phải là một cột mốc rất đáng nhớ. Bởi vì trận chiến trong tâm trí khách hàng âm thầm, không khói súng nhưng căng thẳng và khốc liệt không kém.

Power Balance là một công ty của Mỹ thành công trong giai đoạn 2009-2010 do kinh doanh vòng đeo tay tăng lực. Họ quả quyết rằng người nào đeo sản phẩm này sẽ tăng đến 500% sức mạnh, thể lực và độ dẻo dai. Và thay vì cung cấp những nghiên cứu khoa học chứng minh điều đó, Power Balance đã chi nhiều tiền cho vận động viên và người nổi tiếng sử dụng loại vòng đeo tay này. Trong số đó có David Beckham, Cristiano Ronaldo, Robert De Niro và Kate Middleton (vợ Hoàng tử William của Vương quốc Anh). Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đeo chiếc vòng này khi xuất hiện trước công chúng.


Giá một chiếc vòng tăng lực là 60 USD/chiếc nhưng vẫn bán chạy nhờ chiêu marketing placebo.

Giá một chiếc vòng tăng lực Power Balance không hề rẻ, khoảng 60 USD/chiếc nhưng vẫn bán chạy nhờ chiêu marketing nói trên. Đến cuối năm 2010, Power Balance đã bán được 2,5 triệu sản phẩm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều cuộc thử nghiệm sau đó đã kết luận rằng vòng đeo tay Power Balance không đem lại lợi ích nào cho người sử dụng cả. Năm 2011, công ty này mắc vào kiện tụng và những người sáng lập phải thừa nhận họ đã quảng cáo sai sự thật.

Kỳ lạ thay, sau đó vẫn có khá nhiều người từng sử dụng Power Balance khẳng định rằng chiếc vòng này thật sự giúp họ khỏe mạnh hơn. Hiện tượng này được giải thích là hiệu ứng placebo trong marketing.

Đối với y học, placebo là một loại thuốc giả có hình dạng và mùi vị giống như thuốc thật, không có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng không gây hại cho bệnh nhân, được dùng trong quá trình thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới. Người ta sẽ cho nhóm bệnh nhân tham gia thử nghiệm điều trị bằng cả thuốc thật lẫn placebo một cách ngẫu nhiên, sau đó so sánh tác dụng của chúng đối với căn bệnh. Trên lý thuyết, thuốc thật nếu hiệu quả sẽ có tác dụng tốt hơn hẳn so với placebo. Nhưng y văn thế giới từng ghi nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân dùng placebo vẫn khỏi bệnh. Đó là hiệu ứng placebo.

Vì sao sử dụng thuốc giả nhưng vẫn khỏi bệnh? Qua nhiều nghiên cứu, người ta đúc kết được rằng hiệu ứng placebo có thể diễn ra khi bệnh nhân trải qua cảm giác được chữa trị và tin rằng mình được dùng thuốc thật (dù chỉ được cho uống thuốc giả). Không chỉ diễn ra trong y khoa, hiệu ứng placebo còn được nhiều nhà quảng cáo sử dụng cho marketing.

Những mẫu quảng cáo bột giặt với khả năng giặt quần áo trắng hơn, kem đánh răng giúp nụ cười sáng hơn hay mì gói không gây nóng thông thường đều được “kiểm chứng” bởi nhà quảng cáo, chứ chưa thấy có nghiên cứu nào chứng nhận cả. Các công ty mỹ phẩm thì tung ra sản phẩm với lời hứa hẹn giúp người sử dụng có được vẻ đẹp tự nhiên. Còn các hãng sữa hay công ty nước giải khát lại thích chi nhiều tiền mời vận động viên nổi tiếng quảng cáo cho thức uống dinh dưỡng, để tạo cho khách hàng niềm tin sẽ khỏe mạnh nhờ sử dụng sản phẩm giống như thần tượng. Có thể nói, những sản phẩm nói trên đương nhiên có thể đem lại tác dụng nhất định, nhưng hiệu quả có được như quảng cáo hay không thì lại là chuyện khác.

Vì sao người ta sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua một món hàng xa xỉ trong khi có quá nhiều sự lựa chọn ít tiền hơn? Có phải do họ suy xét đến màu sắc, độ bền, hay chất liệu cao cấp? Có thể có nhưng không phải là tất cả. Khách hàng chọn mua những sản phẩm như vậy luôn hình dung họ sẽ trông “đẳng cấp” và “sành điệu” khi sử dụng chúng.
Dù vậy, trên thế giới hiện vẫn có những sản phẩm kiểu như vòng đeo tay tăng lực Power Balance, được quảng cáo và tạo ra hiệu ứng placebo. Hãng sản xuất ly uống rượu Riedel (Áo) là một ví dụ.

Giới sành rượu trên thế giới không ai là không biết đến Riedel. Công ty này khẳng định rằng những chiếc ly thủy tinh được họ thiết kế và sản xuất sẽ giúp việc thưởng thức mọi loại rượu ngon hơn. Nghe thật khó tin bởi vì hình dạng những sản phẩm của họ cũng chẳng khác mấy so với các loại ly truyền thống và các thử nghiệm bằng cách bịt mắt người thử và cho họ uống rượu bằng ly Riedel lẫn ly thông thường cũng không ghi nhận được sự khác biệt nào.

Vậy mà trong hàng loạt những buổi thử rượu được tổ chức ở châu Âu và Mỹ, hầu hết chuyên gia lẫn khách hàng khi uống rượu từ ly Riedel đều khẳng định vị ngon hơn, dù là rượu thường hay cao cấp. Ngay cả những nhân vật có uy tín như Thomas Matthews (Tổng Biên tập Tạp chí Wine Spectator) hay Robert Parker Jr. (chuyên gia thử rượu số một nước Mỹ) ban đầu cũng nghi ngờ, nhưng sau đó cả hai đều khẳng định điều tương tự.

Tại sao chuyên gia thử rượu quả quyết rằng rượu có vị ngon hơn khi uống bằng ly Riedel trong khi các nhà khoa học có thể dễ dàng chứng minh là không có? Hiệu ứng placebo đã diễn ra khi người thử rượu tin rằng chiếc ly đắt tiền sẽ khiến rượu ngon hơn, nhờ đó hãng Riedel đã kiếm được hàng chục triệu USD mỗi năm.

Bí quyết nào đã khiến cho hiệu ứng placebo diễn ra? Chính marketing dưới hình thức một ly rượu đắt tiền và câu chuyện của nó đã tác động đến cảm giác của người uống. Nhà Riedel đã làm cho cả thế giới cảm thấy rượu ngon hơn chỉ bằng cách lồng vào chiếc ly một câu chuyện, giống như liều thuốc giả nhưng chữa lành bệnh vì bệnh nhân tưởng mình đang uống thuốc thật.

Vì sao người ta sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua một món hàng xa xỉ trong khi có quá nhiều sự lựa chọn ít tiền hơn? Có phải do họ suy xét đến màu sắc, độ bền, hay chất liệu cao cấp? Có thể có nhưng không phải là tất cả. Khách hàng chọn mua những sản phẩm như vậy luôn hình dung họ sẽ trông “đẳng cấp” và “sành điệu” khi sử dụng chúng. Nói cách khác, họ đặt niềm tin vào câu chuyện do những nhà quảng cáo tạo ra.

Luôn có những đánh giá trái chiều về chiến thuật marketing đánh vào cảm xúc và việc chủ tâm tạo ra những giai thoại để bán sản phẩm. Tuy nhiên, sẽ không có gì ngăn cản các nhà quảng cáo tiếp tục bán cho khách hàng những câu chuyện, chứ không phải sản phẩm, vì mục đích kinh doanh. 

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Chiến lược marketing hiệu quả là một trong những yếu tố khiến Samsung vươn lên thành một trong những thương hiệu có giá trị tăng nhanh nhất gần đây. Giá trị thương hiệu của Samsung năm 2000 đạt khoảng 5,2 tỉ USD. Và sau khi Samsung tiếp tục đầu tư 508 triệu USD cho quảng bá thương hiệu, giá trị công ty lên đến 6,3 tỉ USD vào năm 2001.

Năm 1993, một người đàn ông Hàn Quốc cùng vài người bạn bước vào một cửa hàng điện tử tại Mỹ. Sau một hồi tìm kiếm, ông phát hiện ra những chiếc ti vi hiệu Samsung nằm ở kệ dưới cùng, trong góc và bám bụi.Hỏi thăm người bán cùng một số vị khách trong cửa hàng về nhãn hiệu Samsung, ông được biết người tiêu dùng Mỹ nghĩ về Samsung như một nhãn hiệu rẻ tiền, quê kệch và chỉ được bán tại các cửa hàng giảm giá.



Vị khách đó chính là nguyên chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-Hee. Sau chuyến “công du” đến Mỹ, ông đã triệu tập tất cả các chức sắc trong công ty đến Frankfurt (Đức) họp khẩn cấp. Hội nghị tổ chức vào ngày 7.6.1993 là bước mở đầu cho “Trào lưu quản lý mới” làm thay đổi bộ mặt của Samsung, trong đó, việc marketing, phát triển sức mạnh thương hiệu được chủ tịch Lee hết sức đề cao.

Tổ chức lại marketing

Samsung đã làm một bước đột phá khi đưa Eric Kim, một người Mỹ gốc Hàn, lãnh trọng trách giám đốc marketing toàn cầu. Giá trị “hợp nhất” trong “Trào lưu quản lý mới” được thể hiện rõ: Samsung biết mình cần có định hướng marketing cho cả tập đoàn và toàn bộ nhân viên lẫn ban lãnh đạo phải được tuyên truyền về tầm quan trọng của thương hiệu.

Kim lãnh đạo Tổ chức Tiếp thị Toàn cầu (GMO) từ năm 1999. GMO bao gồm ba nhóm chính: nhóm chiến lược marketing, nhóm chiến lược vùng và nhóm chiến lược sản phẩm. Trong năm 2002, GMO đã thực hiện những bước đầu tiên củng cố quảng cáo của Samsung với một công ty quảng cáo duy nhất nhằm đưa ra một thông điệp thương hiệu nhất quán trên thế giới.

Với Eric Kim, phó giám đốc tiếp thị quốc tế của Samsung, những ngày đầu khi mới gia nhập tập đoàn này năm 1999 quả là quãng thời gian khó khăn không thể nào quên. Nhiệm vụ cấp trên giao cho ông quả thật không dễ dàng: Biến tập đoàn điện tử của đất nước Hàn Quốc này thành đối thủ cạnh tranh chính của “người hàng xóm khổng lồ” Sony về cả uy tín, doanh thu và lợi nhuận.

Tại thời điểm đó, dù đã là nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn, nhưng Samsung vẫn chỉ hoạt động ở “hậu trường” với việc cung cấp màn hình máy tính và thiết bị sử dụng chất bán dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia. Kể cả khi Samsung tung ra thị trường quốc tế các sản phẩm PDA, điện thoại di động và đầu đĩa DVD do họ tự sản xuất, thì tập đoàn này vẫn bị xem là một nhà sản xuất chuyên về các mặt hàng giá rẻ. Và nhiệm vụ của Kim là phải nâng vị thế của Samsung lên tầm cao mới, trở thành một nhà cung cấp hàng điện tử chất lượng cao được cả thế giời thừa nhận.Tại thời điểm đó, dù đã là nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn, nhưng Samsung vẫn chỉ hoạt động ở “hậu trường” với việc cung cấp màn hình máy tính và thiết bị sử dụng chất bán dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia. Kể cả khi Samsung tung ra thị trường quốc tế các sản phẩm PDA, điện thoại di động và đầu đĩa DVD do họ tự sản xuất, thì tập đoàn này vẫn bị xem là một nhà sản xuất chuyên về các mặt hàng giá rẻ. Và nhiệm vụ của Kim là phải nâng vị thế của Samsung lên tầm cao mới, trở thành một nhà cung cấp hàng điện tử chất lượng cao được cả thế giời thừa nhận.

Kim và nhóm nhân viên của ông được Samsung đầu tư hàng tỷ đô-la cho hoạt động tiếp thị. Đó quả là một khoản tiền khổng lồ, nhưng chính điều này lại gia tăng sức ép lên nhóm của Kim: họ buộc phải thu được lợi nhuận cao nhất cho mỗi đồng đô-la mà tập đoàn bỏ ra. Khó khăn nằm ở chỗ, ngân sách tiếp thị phải được sử dụng hiệu quả và đúng chỗ, trong khi một tập đoàn hoạt động trên quy mô toàn cầu, liên kết với nhiều quốc gia như Samsung lại quá đa dạng về mặt hàng và sản phẩm: các sản phẩm của Samsung được bán tại 200 quốc gia trên thế giới, với 14 mặt hàng khác nhau bao gồm 476 sản phẩm các loại. Kim đã khởi động một kế hoạch tiếp thị hoàn toàn mới dựa trên việc xác định lại thị trường và các sản phẩm mục tiêu. Chỉ sau 18 tháng, Samsung đã bắt đầu thu được lợi nhuận từ chiến dịch tiếp thị của họ.

Quy trình đánh giá toàn diện và tốn kém

Một trong những khó khăn mà Kim phải đối mặt trong quá trình xác định thị trường và sản phẩm mục tiêu nhằm đầu tư cho chiến dịch tiếp thị toàn cầu là vấn đề thông tin. Thật không dễ dàng chút nào để các nhân viên của Kim tiến hành kiểm định, so sánh toàn cảnh thị trường của Samsung, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cũng như triển vọng đầu tư tại một loạt quốc gia. Để làm được điều này, nhóm nhân viên của Kim phải thực hiện các bước rất phức tạp như phân tích các dữ liệu thống kê về quy mô dân số, tổng sản lượng nội địa tính trên đầu người tại mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, họ còn phải dự đoán chính xác tốc độ tăng trưởng và thông tin đầy đủ về sản phẩm như tốc độ thâm nhập thị trường, thị phần, chi phí truyền thông, lợi nhuận và ưu thế cạnh tranh… Tưởng chừng như những số liệu này có thể được tổng hợp dễ dàng từ các chi nhánh của Samsung có mặt khắp nơi trên thế giới, thế nhưng công việc lại càng khó khăn hơn cho Kim, khi mỗi đơn vị, chi nhánh hoạt động có quyền sử dụng nguồn ngân sách theo cách riêng, chưa kể phương pháp, cách thức nghiên cứu, thu thập thông tin được thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu. Bởi vậy, nhóm của Kim buộc phải thu thập, xử lý và cân đối lại nguồn thông tin của hơn 30% các sản phẩm và mặt hàng trên thị trường thế giới do số liệu thiếu chính xác và quá rời rạc.

Phân bổ đúng nguồn lực marketing

Ngân sách của GMO chỉ dùng vào quảng cáo và các hoạt động khác nhằm xây dựng thương hiệu Samsung. Ngân sách của các đơn vị kinh doanh địa phương chủ yếu dành cho việc quảng cáo, khuyến mãi tức thời nhắm vào khách hàng và kênh phân phối.

Trước đây, ngân sách marketing của Samsung được phân bổ theo doanh số bán hàng hiện thời chứ không liên quan đến tiềm năng phát triển.

Kim quyết định rằng kể từ bây giờ, tất cả mọi thông tin về các mặt hàng và sản phẩm tại các quốc gia lớn và khu vực sẽ được tổng hợp và lưu giữ trong Hệ thống cải tiến có chức năng lưu giữ và phân tích thông tin M-Net. Hệ thống này được cung cấp đầy đủ thông tin về dân số mỗi quốc gia (khu vực) và nhóm dân số được cho là khách hàng mục tiêu, khả năng chi tiêu và mức chi tiêu cho sản phẩm Samsung (tính trên đầu người), tỷ lệ tăng trưởng của mỗi mặt hàng, thị phần của mỗi chi nhánh, chi phí dành cho hoạt động truyền thông tại thời điểm điều tra và trước đó, lợi nhuận của mỗi mặt hàng. Sau đó, Samsung sẽ huy động phần lớn các quản lý, chuyên viên tại hầu hết các chi nhánh của tập đoàn, cùng các chuyên gia có kinh nghiệm cùng nhìn nhận, phân tích và đánh giá lượng thông tin khổng lồ này nhằm đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tập đoàn Samsung. Hệ thống M-Net còn được thiết lập các máy tính toán có chức năng phân giải cao, có thể tính toán, so sánh các dữ liệu trên theo từng sản phẩm, từng quốc gia và khu vực cho quãng thời gian nhiều năm. Nhờ đó, Samsung không những đánh giá được các hoạt động toàn cầu của họ, mà còn tính toán chính xác và dự đoán thành công những thị trường và mặt hàng tiềm năng. Từ chính sách đặt mục tiêu và đầu tư tốn kém cho quy trình đánh giá thông tin được triển khai ròng rã 4 tháng trời trên quy mô toàn thế giới, Samsung đã xác định 60% thị trường lúc bấy giờ của họ mới là thị trường tiềm năng và là mục tiêu đầu tư.

Sự thật qua những con số.

Hệ thống M-Net đã giúp Samsung nhận ra 3 điều quan trọng trong kế hoạch chiếm lĩnh thị trường thế giới của họ:

- Thị trường Bắc Mỹ và Liên bang Nga, tuy được đầu tư cao và khoản chi cho tiếp thị chiếm đến 45% ngân sách tiếp thị toàn cầu của Samsung, nhưng doanh thu từ hai thị trường này lại chỉ đóng góp cho tập đoàn 35% ngân sách.

- Thị trường Châu Âu và Trung Quốc, chỉ nhận 31% từ ngân sách tiếp thị, thế nhưng doanh thu từ hai khu vực thị trường này lại đóng góp tới 42% cho ngân sách của Samsung.

- Một nửa ngân sách tiếp thị của Samsung là dành cho ba mặt hàng điện thoại di động, máy hút bụi và điều hoà không khí. Trong khi đó, qua phân tích, người ta nhận ra rằng Samsung nên giảm khoảng 22% khoản ngân sách tiếp thị cho các mặt hàng này và tăng cường thêm cho các mặt hàng quan trọng và nhiều tiềm năng như máy quay video cầm tay, đầu đĩa DVD, TV, tủ lạnh, màn hình máy tính có màu và đầu máy video.
Chính những thông tin như thế đã giúp các nhà quản lý Samsung nhận ra sai lầm và tính mất cân đối trong chính sách đầu tư và phân bổ ngân sách tiếp thị của họ từ bấy lâu nay. Từ đó, Eric Kim cho rằng cần phải điều chỉnh lại khoản ngân sách 150 triệu USD cho hợp lý hơn và ông đã giúp các nhà quản lý của Samsung tự tin hơn trong việc đưa ra những quyết định hệ trọng. Chẳng hạn như quyết định mạo hiểm giảm đầu tư vào thị trường Mỹ, vốn là thị trường lớn nhất của Samsung, để tăng cường đầu tư cho thị trường Châu Âu. “Những thị trường đắt đỏ hiện tại không hẳn đã là thị trường tiềm năng trong tương lai và ngân sách tiếp thị cần được phân bổ nhiều hơn cho các thị trường có triển vọng đem lại lợi nhuận cao”, Kim nói.

Đối mặt với những khó khăn về tổ chức và quản lý

Những kết quả phân tích đã giúp Samsung khoanh vùng chính xác những thị trường và mặt hàng cần đầu tư. Tuy nhiên, để tạo nên sự thay đổi hợp lý trong việc phân bổ ngân sách tiếp thị tại một tập đoàn có mặt tại nhiều quốc gia với cơ cấu tổ chức phức tạp và rộng rãi, điều đó quả là nhiệm vụ khó khăn! Nhiều đơn vị, chi nhánh và cơ sở đang đem lại doanh thu, lợi nhuận cao cho tập đoàn “bỗng nhiên” bị cắt giảm ngân sách tiếp thị, do tốc độ tăng trưởng và giá trị khai thác của những thị trường này có phần chững lại. Các nhà quản lý tại đó không muốn chấp nhận thực tế này, họ vẫn mang một tư duy “quy mô lớn hơn phải được chu cấp nhiều hơn”, mà không có được tầm nhìn hướng về tương lai.

Một bất cập mà Samsung nhận ra đã tồn tại khá lâu trong các công ty và tập đoàn là cơ chế khen thưởng được xây dựng trên doanh thu cục bộ của mỗi đơn vị, mỗi mặt hàng, chứ không phải là kết quả được tổng hợp trong toàn công ty hay tập đoàn. Mỗi khi tập đoàn có ý định khởi động dự án kinh doanh tại một địa điểm nào đó, ngay lập tức một chuyên gia được phái đến và kết quả thành công của dự án được đánh giá cùng với thành tích của chuyên viên đó. Bởi vậy, ngay khi thông tin về kế hoạch cắt giảm ngân sách tiếp thị được lan truyền, các vị quản lý này đều kịch liệt phản đối kế hoạch của Kim với cái cớ là các nhà quản lý cấp cao “đánh giá thấp năng lực của họ”.

Một chi tiết quan trọng trong kế hoạch của Samsung là không chỉ dựa vào kỹ thuật công nghệ, mà còn phải đặt niềm tin vào đội ngũ chuyên gia kỳ cựu, có kiến thức quản lý và kinh nghiệm làm việc lâu năm, mặc dù họ thuộc lớp quản lý cũ. Ngay cả khi hệ thống thông tin M-Net thực hiện những công việc quá phức tạp mà con người khó có thể làm được, những kết quả và thông tin đưa ra vẫn được Samsung giao cho các chuyên gia phân tích và đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và tầm nhìn của họ. Bởi vậy, Kim đã tìm cách đối phó và xoa dịu làn sóng phản đối từ những nhà quản lý. Ông gặp gỡ, thu thập thêm ý kiến, thuyết phục và thậm chí lôi kéo những chuyên gia này vào kế hoạch của ông. Phải làm sao để lợi ích của mỗi đơn vị, mỗi mặt hàng hòa nhập vào lợi ích chung của cả tập đoàn. Kim nói: “Mở rộng thông tin trong giai đoạn thay đổi là điều quan trọng. Chúng tôi đã phải giải thích rằng chúng tôi đang làm việc gì, tại sao lại phải làm như vậy, hiệu quả của những thay đổi này đối với tập đoàn Samsung là gì. Quan trọng nhất là chúng tôi muốn nhấn mạnh sự thay đổi dựa trên cơ sở nền tảng là các chuyên gia và nhà quản lý hiện tại”.

Bên cạnh đó, Samsung còn tiến hành đánh giá thiệt hại và thiết lập cơ chế khen thưởng mới. Ở các đơn vị bị cắt giảm chi phí tiếp thị, các nhân viên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Samsung đã đền bù thỏa đáng những thiệt thòi đó, tạo cho họ nhiều cơ hội việc làm mới, sao cho kế hoạch thay đổi không trở thành mối đe dọa đối với cuộc sống của họ. Không những thế, những đơn vị nằm trong các thị trường bị cắt giảm chi phí sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, nếu họ duy trì được doanh thu và lợi nhuận cao cùng chi phí hoạt động thấp.

Thay đổi định hướng theo các giai đoạn

Nếu vào những năm đầu thế kỷ là thời điểm khởi đầu để đưa Samsung trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng thì chỉ một vài năm sau, Samsung đã mau chóng đạt được mục tiêu này.

Chính vì vậy, trong giai đoạn định vị thương hiệu tiếp theo của mình, Samsung quyết định tập trung vào thị trường cao cấp để đưa hình ảnh thương hiệu lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, nghiên cứu về thay đổi theo định hướng thị trường cho thấy rằng thương hiệu Samsung còn thiếu cảm xúc và tính nhân bản. Eric Kim nhận xét: “Để trở thành số một, bạn không chỉ cần được biết đến mà còn cần được yêu mến!”.

Chính vì thế, Samsung đã mở một chiến dịch toàn diện năm 2002 với thông điệp “Samsung DigitAll – Everyone’s invited” (Samsung Số hoá tất cả – Mọi người đều được mời) để quảng bá thương hiệu. Tiếp sau thành công của chiến dịch Samsung DigitAll, Samsung nâng thương hiệu lên một mức bằng cách liên kết với hãng phim Warner Brothers thực hiện bộ phim The Matrix Reloaded (Ma trận tái lập) năm 2003.

Một chiếc điện thoại Samsung đóng vai trò là cánh cổng giữa thế giới thực và thế giới ảo. Thông điệp từ mẫu quảng cáo đã khiến khách hàng bắt đầu đánh giá cao hơn về thương hiệu của tập đoàn này.

Mặt khác, hình ảnh Samsung không ngừng được nâng cấp khi họ thường xuyên tài trợ cho các hoạt động thể dục thể thao và văn hoá thế giới như Olympic, Á vận hội Asian Games, đội bóng Chelsea, giải vô địch Taekwondo thế giới, triển lãm bảo tàng giải thưởng Nobel toàn cầu… Chính việc tài trợ Olympic là nước cờ đưa Samsung thành thương hiệu toàn cầu.

Samsung sánh vai với các thương hiệu lớn như Coca-Cola, IBM… tại sự kiện thể thao đông người xem nhất thế giới này. Kể từ năm 1988, Samsung đã đi cùng Olympic với vai trò là nhà tài trợ truyền thông không dây. Hợp đồng này cũng vừa được gia hạn đến năm 2016.

Chiến lược xây dựng thương hiệu

Trong vòng năm năm đầu thiên niên kỷ, không thương hiệu nào có sức tăng trưởng về giá trị thương hiệu như Samsung với mức tăng đạt đến 186%. Theo Interbrand, hiện Samsung đang nắm vị trí 21 với giá trị thương hiệu đạt trên 17,689 tỉ USD.

Từ việc phân chia lại nguồn ngân sách tiếp thị cũng như các kế hoạch giới thiệu sản phẩm mới một cách rầm rộ và rộng rãi từ năm 2001, Samsung đã thu được những kết quả khả quan. Samsung có tên trong danh sách 5 nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, đồng thời tạo bước đột phá trong nhóm các dòng sản phẩm vẫn là thế mạnh của Sony như máy quay phim, màn hình vi tính phẳng, đầu đĩa DVD và TV kỹ thuật số. Samsung được xem là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới vào những năm 2001-2002. Giá trị thương hiệu của Samsung đạt mức 8,3 tỉ USD. Tập đoàn này nhảy vọt từ vị trí thứ 42 lên vị trí thứ 34 trong bảng xếp hạng của Interbrand. Trong khi đó, Sony vẫn xếp ở vị trí thứ 21, giá trị thương hiệu giảm từ 15 tỉ USD xuống còn 13,9 tỉ USD, phần nào bị ảnh hưởng bởi “cơn lốc Samsung”. Bên cạnh đó, doanh thu của Samsung tăng lên 25%, từ 27,7 tỉ USD lên 34,7 tỉ USD. Liệu những con số tăng trưởng này vẫn sẽ đảm bảo ổn định? Các nhà quản lý của Samsung vững tin vào điều đó. Họ vẫn tiếp tục sự đầu tư cần thiết cho nhân lực và tổ chức, đồng thời xem xét lại và bổ sung các phương pháp, chiến lược tiếp thị của họ.

Theo vietnammarcom.edu.vn

Tin Tức

[tin-tuc][fbig1]

Khám Phá

[kham-pha][fbig2]

Sức Khỏe - Làm Đẹp

[suc-khoe][Lam-dep][column1]

Mẹo Vặt

[Meo-vat][hot]

Pháp Luật - Xã Hội

[Phap-luat][xa-hoi][timeline]

Author Name

{picture#YOUR_PROFILE_PICTURE_URL} YOUR_PROFILE_DESCRIPTION {facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Vnedaily. Được tạo bởi Blogger.