Albert Einstein từng cho rằng, mối tình đầu là một hiện tượng sinh học mà con người không thể giải thích được dưới góc nhìn của khoa học và hóa học. Và không ai trong chúng ta khẳng định rằng, họ hiểu rõ được tình yêu.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn cố gắng đi tìm lời giải cho những khái niệm về tình yêu dưới góc nhìn khoa học thần kinh.
1. Con người dễ bị “nghiện” yêu như khi sử dụng ma túy đá
Mỗi khi nghĩ về “người ấy” - đặc biệt là khi mới yêu - vùng chỏm não (ventral tegmental area - VTA) của con người sẽ hoạt động mạnh và tiết ra một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh có tên gọi dopamine (một loại chất tạo khoái cảm).
Kết quả là người đang yêu luôn cảm thấy “bay bay” giống như mình đang sử dụng thuốc gây mê và họ bị nghiện cảm giác mơ màng này.
Trong khi đó, lượng hormone norepinephrine trong não bộ của người đang yêu cũng tăng lên đáng kể, gây ra cảm giác stress, làm tăng huyết áp và nhịp tim, những phản ứng này không khác gì khi con người sử dụng những chất kích thích như ma túy đá.
2. Thay vì hạnh phúc, tình yêu gây ra đau khổ
Một nghiên cứu tại Ý đã chỉ ra rằng, những người mới yêu có dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder - OCD).
Đây là chứng rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến nhất là người bệnh thường có suy nghĩ ám ảnh về một điều gì đó và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng. Người mắc phải OCD có thể rửa tay liên tục hoặc không ngừng kiểm tra xem cửa đã đóng chưa để cảm thấy đỡ lo lắng.
Thay vì mang tới cảm giác vui sướng hạnh phúc, tình yêu thực chất lại khiến bạn càng thêm đau khổ. Biểu hiện đặc trưng của OCD là chất dẫn truyền thần kinh serotonin của não bộ bị giảm.
Các đối tượng nghiên cứu là người đang yêu có mức serotonin thấp hơn 40% so với những người bạn độc thân cùng lứa. Serotonin vốn là chất giúp con người kiểm soát bản thân khỏi nỗi lo sợ về những điều không chắc chắn và thiếu ổn định.
Khi chất này giảm, khả năng làm chủ tình hình của chúng ta bị kém đi rõ rệt, ta dễ dàng cảm thấy hoang mang, bất an. Mà tình yêu lại vốn không thể đoán trước được, chính vì vậy khi yêu, con người dễ lâm vào trạng thái ám ảnh.
3. Tình yêu khiến con người "làm liều"
Hẳn nhiều người biết rằng, vùng vỏ não trước trán đảm nhiệm vai trò điều khiển lập luận, lý lẽ và là trung tâm kiểm soát của con người. Tuy nhiên, vùng não này sẽ hoạt động kém hẳn đi khi chúng ta yêu.
Đồng thời, hạch hạt nhân amygdala nằm ở tâm của não, đóng vai trò kiểm soát phản ứng của bộ não mỗi khi gặp phải nguy hiểm cũng bớt nhanh nhạy hơn trước. Kết quả là con người sẵn sàng liều mình làm những việc nguy hiểm mà bình thường vốn không bao giờ làm.
4. Đàn ông có thể yêu một người, nhưng lại ham muốn lên giường với người khác
Tình yêu và ham muốn tình dục tưởng chừng không liên quan nhưng lại có nhiều điểm giống nhau trong phản ứng thần kinh của não bộ. Chúng đều mang tới cảm giác sung sướng, dễ gây nghiện và ảnh hưởng tới nhiều phần của bộ não. Tuy nhiên, chúng lại đủ khác biệt để khiến chúng ta yêu một người nhưng lại muốn quan hệ với một người khác.
Theo thời gian, sự khác biệt giữa tình yêu và ham muốn lại càng trở nên rõ ràng. Vùng ventral pallidum ở những người đã yêu nhau lâu hoạt động tích cực hơn. Vùng não bộ này chứa rất nhiều Oxytocin và Vasopressin - hai chất quyết định sự gắn bó và chung thủy, yêu nhau dài lâu.
5. Đàn ông không chỉ yêu bằng mắt
Vùng vỏ não thị giác của đàn ông khi đang yêu hoạt động mạnh hơn hẳn phụ nữ. Chính vì vậy, phái mạnh lúc yêu mắt thường “hoạt động” tích cực hơn mức bình thường.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tần suất đàn ông “yêu từ cái nhìn đầu tiên” nhiều hơn hẳn phụ nữ vì đàn ông thường nghe theo những dấu hiệu của cơ thể còn phụ nữ cần thời gian để xây dựng niềm tin về một nửa còn lại.
Tuy nhiên, một khảo sát ở Israel cho thấy chỉ 10% số người được hỏi cho biết mối quan hệ dài lâu của họ được bắt đầu theo cách này vì ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ. Các nhà khoa học cho rằng, tình yêu có nghĩa là hai người cần có thời gian tìm hiểu và biết rõ về người kia thay vì bị “hút” lấy nhau ngay lập tức.
Chính vì vậy đừng vội thất vọng nếu buổi hẹn hò đầu tiên không được thành công. Các nhà tâm lý học tin rằng, khi hai người tương tác nhiều hơn, họ sẽ cảm thấy đối phương thu hút và thông minh hơn. Chính vì vậy nên dành cho tình yêu nhiều hơn một cơ hội để có thể hiểu rõ về nửa kia.
6. Phụ nữ ghi nhớ tiểu tiết tốt hơn khi yêu
Hồi hải mã hippocampus là vùng não trước có liên hệ mật thiết với ký ức của con người. Khi phụ nữ yêu, vùng não này sẽ hoạt động mạnh hơn hẳn đàn ông. Không chỉ có vậy, diện tích của vùng hồi hải mã ở phái yếu lớn hơn hẳn so với phái mạnh. Chính vì vậy, phụ nữ thường để ý và ghi nhớ những tiểu tiết tốt hơn hẳn khi đang yêu.
7. Nhìn nhau đắm đuối là phép thuật của tình yêu
Trẻ sơ sinh và phụ nữ có cùng một điểm chung: cả hai đều coi ánh mắt là phương tiện kết nối cảm xúc tốt nhất. Khi những đôi tình nhân đang yêu, họ thường trao nhau những ánh nhìn say đắm, hành động này không đơn thuần chỉ là yếu tố lãng mạn của tình yêu đôi lứa mà còn có cơ sở sinh học. Ánh mắt và nụ cười chính là cặp đôi hoàn hảo trong tình yêu.
Giọng nói có sức mạnh thứ nhì đứng sau ánh mắt. Giọng nói của con người truyền tải nhiều thông tin hơn là chúng ta vốn nghĩ và có khả năng tạo cầu nối cảm xúc giữa hai người.
8. Chung thủy hơn nhờ tiêm thuốc
Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu chế độ một vợ một chồng và chế độ đa thê của loài chuột đồng vì chúng phản ánh gần như chính xác các mối quan hệ của con người.
Kết quả là các nhà nghiên cứu phát hiện, chuột đồng chỉ sống duy nhất với một bạn đời, trong khi đó loại chuột sống ở núi lại theo chế độ “đa thê” hoặc “đa phu”. Điểm quan trọng tạo nên khác biệt giữa hai loài này nằm ở gene và điểm đáng ngạc nhiên hơn là chúng có bộ gene giống nhau tới 99%.
Khi các nhà nghiên cứu tiêm chất oxytocin và vasopressin vào chuột núi, từ chế độ sống chung nhiều bạn tình, chúng chuyển sang chung thủy với duy nhất một đối tượng.
Hiện khoa học vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả liệu có xảy đến tương tự với con người hay không, nhưng bước đầu đã đạt được khả quan nếu chỉ áp dụng trong thời gian ngắn. Hai nghiên cứu khác đã chỉ ra, những người đàn ông được tiêm oxytocin sẽ tạm thời trở nên dễ đồng cảm, nhạy cảm và hiền hơn.
9. Phụ nữ và đàn ông có thể làm bạn
Nghiên cứu mới đây cho thấy, đàn ông và phụ nữ có thể làm bạn nhưng khả năng cảm xúc vượt lên trên mức tình bạn luôn rình rập và sẵn sàng đe dọa mối quan hệ giữa hai người khác giới.
Để kiểm định khả năng tồn tại của tình bạn giữa nam - nữ, các nhà nghiên cứu đã mời 88 cặp đôi và tiến hành theo dõi. Kết quả là các chuyên gia phát hiện ra một sự khác biệt lớn giữa cách nhìn nhận của phụ nữ và đàn ông về tình bạn khác giới.
Đàn ông thường bị người bạn của mình thu hút và tin tưởng mù quáng rằng người kia cũng có cảm xúc tương tự. Trong khi đó, phụ nữ cũng mù quáng tin tưởng rằng đối phương có thể giữ được tình bạn trong sáng với mình vì thông thường, phái yếu không cảm thấy xao động trước những bạn nam mà họ đã xếp vào “vùng tình bạn” (friendzone).
Kết quả này cho thấy so với phụ nữ, đàn ông thường gặp khó khăn hơn trong việc “chúng ta chỉ làm bạn”. Lý do xuất phát từ việc hai bên có quan điểm khác nhau về tình bạn giữa nam và nữ.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Khám Phá
Đăng nhận xét