Hãy tạm quên đi cặp kính dày cộp và quyển sách nặng trịch để trông có vẻ như là một người “trí thức” bởi giờ đây, khoa học đã nghiên cứu và tìm hiểu được những cách đơn giản không ngờ giúp bạn "trông có vẻ" thông minh hơn.
1. Nói có ngữ điệu
Có một sự thật là, cách bạn nói có ảnh hưởng rất lớn tới những gì người khác nghĩ về bạn. Nếu bạn nói quá chậm, mọi người cho rằng, đây là một người kém thành thật; còn nếu tông giọng quá cao - mọi người sẽ nghĩ bạn đang lo lắng.
Nghiên cứu tâm lý học kết luận rằng, nếu muốn trở nên đáng tin và thông minh hơn trong mắt người khác, bạn nên nói có ngữ điệu. Nói có ngữ điệu nghĩa là giọng nói lên bổng xuống trầm và thay đổi âm lượng một cách nhịp nhàng, đồng thời biết ngắt, nghỉ đúng chỗ. Điều này sẽ giúp bạn tăng mức độ đáng tin và trông tự tin hơn trong mắt người khác.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra, con người không chỉ thể hiện cảm xúc thông qua biểu cảm trên khuôn mặt mà còn qua cả giọng nói. Theo bản năng, người nghe sẽ kết luận: giọng thấp tức là đang buồn, còn khi tức giận hoặc sợ hãi, người nói sẽ cao giọng hơn bình thường.
Bạn có thể thay đổi bằng cách tập trung vào cách nói của mình. Hãy thay đổi âm vực và âm lượng một cách phù hợp để thể hiện cảm xúc của mình với mọi người xung quanh, đồng thời cố gắng nhấn mạnh vào những từ quan trọng. Nghe tin tức trên TV và bắt chước theo cách nói của người dẫn chương trình mỗi ngày 10 phút cũng là một cách hữu ích.
2. Học giao tiếp bằng mắt
Người phương Tây cho rằng, những ai giao tiếp bằng mắt càng nhiều thì người đó càng tự tin vào bản thân mình. Không chỉ có vậy, người biết giao tiếp bằng mắt còn được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo, sở hữu khả năng “áp đảo” lớn, đồng thời ít lo lắng và thông minh hơn so với những người khi nói chuyện không nhìn thẳng vào mắt người đối diện.
Việc nhìn chằm chằm vào mặt người khác khi nói chuyện đôi lúc khiến họ hoảng sợ.
Tuy nhiên nếu không cẩn thận, bạn sẽ rất dễ mắc phải sai lầm nhìn chằm chằm vào mặt người khác và khiến họ hoảng sợ. Vậy như thế nào là giao tiếp bằng mắt một cách bình thường và vừa đủ? Điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh. Cụ thể hơn, chúng ta thường mắt-đối-mắt khi nói chuyện riêng một-đối-một với nhau hơn là khi đang nói cùng một nhóm.
Khi nói chuyện cùng một nhóm đông người, chúng ta chỉ nhìn vào mắt người kia khoảng 3-5 giây, tuy nhiên khi nói chuyện riêng, thời gian có thể lên tới 7-10 giây rồi sau đó chớp mắt nhìn sang chỗ khác.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra khoảng thời gian phù hợp để nhìn vào mắt người khác là 30% - 60% tổng số thời gian nói chuyện. Phần trăm này có thể cao hơn nếu bạn là người nghe nhiều hơn và thấp hơn nếu bạn là người nói chính trong cuộc đối thoại.
3. Ngủ muộn hơn
Những người thông minh thường có thói quen thức khuya và dậy sớm. Một nghiên cứu đã thử nghiệm thói quen ngủ của 20.745 thanh niên Mỹ và phát hiện ra rằng, những người “chậm hiểu” thường đi ngủ vào lúc 11h41 và dậy vào lúc 7h20. Ngược lại, những người “thông minh” thường ngủ lúc 0h29' và đón bình minh vào 7h52.
Theo lối suy nghĩ thông thường, những người thông minh thường thức tới tận nửa đêm để ôn bài, viết luận, làm báo cáo để kịp thời hạn vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, đây chính là xu hướng tiến hóa - những cá thể thông minh hơn sẽ là những người thay đổi thói quen đầu tiên vì bộ não của họ luôn tìm kiếm sự mới lạ.
Phải chăng vì con người vốn hoạt động chủ yếu vào ban ngày nên những người thông minh hơn sẽ làm việc vào ban đêm để tránh bị những người “kém thông minh hơn” làm phiền.
4. Thường xuyên mỉm cười
Nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa cảm xúc vui vẻ hoặc tức giận với “mức độ” thông minh thể hiện trên khuôn mặt. Theo đó, những người thông minh thường cười nhiều hơn người “kém thông minh”.
Điều này cũng có thể áp dụng với mức độ đáng tin cậy của mỗi người. Trong khi những người có khuôn mặt kém thông minh thường có biểu cảm giận dữ, bực tức, cau có thì người thông minh luôn có nét mặt rạng ngời, nụ cười "tươi rói"...
5. Luôn tin mình là người thông minh
Chỉ cần bạn có niềm tin, điều đó sẽ thành sự thật. Khi con người tin rằng mình có thể thông minh hơn, họ thường có xu hướng tìm tòi học hỏi những điều mới và đặt ra các câu hỏi khác lạ.
Và ngược lại, nếu coi trí thông minh là một thứ cố định và không thể thay đổi, chúng ta sẽ cảm thấy bằng lòng với thực tại và không ham học hỏi kiến thức mới. Chính vì vậy, khi có niềm tin, bạn có thể đạt được “mức độ” thông minh mà mình mong muốn.
6. Làm việc theo cách khó hơn
Công nghệ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, làm việc theo cách khó hơn lại giúp bạn thông minh hơn.
Ví dụ như với máy định vị GPS, công dụng của chiếc máy này trong việc xác định phương hướng là không thể phủ nhận, nhưng nếu bạn quá phụ thuộc vào nó, bạn sẽ không bao giờ học được cách tự tìm đường.
Hãy thử bỏ máy GPS và tự mày mò đường đi để nâng cao khả năng xác định phương hướng. Chọn cách khó khăn hơn để hoàn thành một công việc sẽ rèn luyện bộ não của bạn và giúp trí thông minh tăng lên đáng kể.
7. Biết gì nói nấy một cách chân thành
Khi vướng phải một cuộc tranh luận nảy lửa với bạn bè, bạn thường rơi vào tình trạng yếu thế khi cuộc tranh cãi xoay quanh những lỗ hổng kiến thức mà bạn không biết.
Bạn có thể thừa nhận rằng, vấn đề đó mình không biết thật, tuy nhiên nếu muốn giữ vẻ ngoài thông minh, hãy tập trung vào những gì mà bạn biết.
Nếu đang tranh luận, không nên tập trung vào những bất đồng giữa hai người mà hãy từ từ chỉ ra những gì mà bản thân bạn biết về chủ đề nói trong khi vẫn thảo luận với mọi người.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Khám Phá
Đăng nhận xét