Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phố trên đất nước ta đang trải qua những ngày nắng nóng đầu hè. Với mức nhiệt độ cao, không khí ngột ngạt, đây thực sự là một… "thảm họa" khi mọi người đều ở trong tình trạng khó chịu vì nóng bức.
Tuy nhiên, có một sự thật ít ai chú ý tới, đó là trời nắng nóng cũng có những... tác dụng nhất định.
1. Nắng gắt có tác dụng khử trùng
Một trong những đặc trưng của thời tiết nắng gắt đó là nhiệt độ cao và tần suất cực cao của tia cực tím trong không khí. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên rất nhiều căn bệnh da cho con người như cháy nắng, bỏng nắng và thậm chí là ung thư da.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ vật lý, chúng ta sẽ không khỏi giật mình bởi lẽ tia cực tím và tia hồng ngoại trong ánh nắng Mặt trời lại vô cùng hữu ích trong việc khử trùng.
Tia cực tím từ Mặt trời tới Trái đất không phải lúc nào cũng có hại.
Tia cực tím trong ánh sáng Mặt trời tỏa ra dưới 3 dạng: UVA, UVB và UVC. Trong đó, UVC là tia có bước sóng ngắn (ngắn hơn 280mm) và có tính khử trùng rất cao.
Thông thường, tia cực tím bị tầng ozone hấp thụ nên lượng tia UVC xuất hiện trong bầu khí quyển là không nhiều, chỉ dưới 1% được phát ra. Tuy nhiên, khi trời nắng gắt, tần suất các tia này xuất hiện nhiều hơn và vì thế, ánh nắng gắt có tính khử trùng cũng cao hơn.
Ứng dụng đặc điểm này, các chuyên gia đã và đang phát triển một số công nghệ khử trùng, điển hình là nước và đất. Đối với nước, chỉ cần lấy nước tích trữ từ thiên nhiên (nước mưa, nước ao, hồ…), lọc và dùng phèn chua cho lắng hết cặn rồi phơi dưới trời nắng gắt từ 6 - 17 giờ.
Đây là phương pháp SODIS (Solar Water Micro- organism Disinfection) được Bộ Y Tế công nhận hiệu quả: nước thu được qua SODIS hoàn toàn có thể uống được như nước đun sôi.
Những chiếc bình lọc nước ứng dụng công nghệ SODIS.
Sơ đồ mô tả công nghệ SODIS.
Còn đối với đất, giáo sư Katan thuộc Viện Nông học Volcani (Israel) là một trong những chuyên gia đi đầu trong việc ứng dụng thời tiết nắng nóng để khử trùng đất. Ông đã chỉ ra cho rằng, nhờ vào ánh nắng Mặt trời, ta hoàn toàn có thể khử trùng.
Phủ nilon lên mặt đất và tận dụng tia cực tím từ Mặt trời có thể khử trùng đất - phục vụ trồng trọt.
Bằng việc xới kĩ đất, tưới cho ẩm và phủ màng nilon dẻo và trong suốt, dưới ánh nắng Mặt trời, nhiệt độ của đất được phủ nilon có thể tăng tới 60độ C, giết chết 90 - 100% bào tử nấm và vi trùng có hại ở độ sâu 30cm trong đất. Hiệu quả của phương pháp này có thể kéo dài trong vòng 14 tháng.
Thêm một điều đơn giản mà bạn có thể làm hàng ngày, đó chính là phơi quần áo nhanh khô và mang quần áo mùa đông cùng chăn đệm ra phơi để có mùi "nắng mới".
2. Nắng gắt giúp ích cho thiết bị sử dụng năng lượng Mặt trời
Thời tiết nắng gắt khiến nhiều người dấy lên những lo ngại về hiện tượng thiếu điện sinh hoạt. Vậy nhưng trên thực tế, con người hoàn toàn có thể sử dụng chính ánh sáng “nóng như lửa đốt” của Mặt trời để tạo ra điện phục vụ cho sinh hoạt.
Nhìn từ góc độ vật lý, Mặt trời là nguồn năng lượng gần như vô tận cho nền văn minh của chúng ta. Năm 2002, tổng số năng lượng mà Trái đất hấp thụ từ Mặt trời là 3.850.00 EJ (extra - joules), nhiều hơn cả năng lượng mà cả thế giới sử dụng trong năm đó. Điều này chứng tỏ, tiềm năng cực lớn của việc sử dụng năng lượng Mặt trời trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong tương lai, những cánh đồng pin Mặt trời như thế này sẽ trở nên phổ biến.
Trong những ngày trời nắng gắt, cường độ ánh sáng Mặt trời chiếu xuống Trái đất là rất cao, do vậy năng lượng mang theo cũng rất lớn.
Một chiếc xe sử dụng năng lượng Mặt trời...
...hay những chiếc máy bay kiểu dáng độc đáo thế này sẽ là thiết kế của tương lai.
3. Nắng gắt tăng hiệu quả cho những bài tập luyện sức bền
Có một sự thật là tập thể dục thể thao trong điều kiện trời nắng gắt thường không được cho là một lựa chọn đúng đắn. Nguyên nhân là bởi thời tiết nắng gắt khiến nhiệt độ và nhịp tim của cơ thể tăng nhanh, dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt, ngất xỉu…
Song, nghiên cứu của các nhà khoa học lại chỉ ra, nếu tập thể dục có phương pháp và đúng cách thì nhiệt độ nắng nóng lại là môi trường lý tưởng để cải thiện sức khỏe, nhất là sức bền.
Cụ thể, các chuyên gia thuộc ĐH Oregon (Mỹ) đã tiến hành theo dõi hiệu suất của 12 vận động viên xe đạp (10 nam, 2 nữ) trong 10 ngày đào tạo ở hai môi trường khác nhau.
Trong đó, 6 người tập luyện trong điều kiện thời tiết 38 độ C trong khi nhóm còn lại tiến hành các bài tập ở nhiệt độ 12 độ C. Độ ẩm trong cả hai môi trường đều là 30%.
Kết quả thu được thật đáng ngạc nhiên: sau 10 ngày tập luyện, hiệu suất và sức bền của nhóm đầu tiên cải thiện một cách rõ rệt, tăng tới 7% trong khi nhóm còn lại không có biểu hiện gì của sự tiến bộ.
Với một phương pháp và giáo án tập luyện đúng đắn, thời tiết nóng nực là môi trường không thể tốt hơn để luyện tập sức bền.
Nhà nghiên cứu Chris Minson cho biết, tập luyện trong môi trường nhiệt độ cao đòi hỏi cơ thể phải làm mọi thứ chậm hơn, nếu có pháp đồ đúng đắn có thể giúp con người cải thiện sức chịu đựng, đạt được hiệu quả cao hơn so với bình thường.
Ngoài ra, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sinh lý học của Mỹ ngày 1/12/2002 cũng chỉ ra, nhiệt độ tăng cao có tác dụng kích thích trí nhớ và sự cảnh giác của con người.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Khám Phá
Đăng nhận xét