Tuy vậy, theo các chuyên gia, đây không phải là chiến lược mới. Khi mới tung ra các dịch vụ nào đó, các hãng cũng thường miễn phí một thời gian rồi mới tính phí thông qua những tính năng khác. Nhìn vào thị trường hiện nay, điện thoại Android giữ nhiều lợi thế hơn iPhone của Apple, nổi bật là sự linh hoạt của phần cứng với nhiều tùy chọn như kích thước màn hình, phần mềm đa dạng, mở rộng lưu trữ bộ nhớ và pin có thể tháo rời. Tuy nhiên, dù đang nắm giữ nhiều lợi thế như vậy, nhưng nếu không có những bước đi mới đúng hướng thì câu chuyện cổ tích về Android sẽ tàn dần theo thời gian.
1. Khắc phục vấn đề về bảo mật
Mặc dù cả Apple và Google đều rất chú trọng đến vấn đề bảo mật khi thiết kế và xây dựng hệ điều hành của mình, song việc đứng vững trước các nguy cơ tấn công ngày càng nhiều và tinh vi hơn trong môi trường ngày nay là rất khó. Một báo cáo gần đây cho hay, nền tảng Android đã nhanh chóng trở thành mục tiêu hàng đầu cho tội phạm ảo vì hai lý do chính: Android đang được dùng phổ biến trên nhiều loại thiết bị và các biện pháp kiểm tra tại chỗ chưa đủ mạnh để bảo vệ hệ điều hành này.
Thêm vào đó, cách tiếp cận cởi mở của Google là một trong những lí do thành công trong việc phổ biến hệ điều hành này và giúp số lượng ứng dụng tăng chóng mặt nhưng khó kiểm soát. Tuy rằng chưa có ứng dụng nào gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng, nhưng nếu vài lần bị “dính” bẫy phần mềm độc hại, thái độ của người sử dụng sẽ thay đổi rất nhanh.
Ngoài ra, nhược điểm của Android là phụ thuộc vào “hiểu biết về bảo mật” của người sử dụng trong khi phần lớn họ không có kiến thức trong lĩnh vực này. Còn nền tảng iOS của Apple chỉ đơn giản là từ chối truy cập trong mọi trường hợp đối với các tác vụ và thiết bị tiềm ẩn rủi ro. Với hệ điều hành Android, các ứng dụng độc hại chỉ cần núp dưới việc đưa ra các yêu cầu cho phép thiết lập những phần cài đặt cơ bản của chương trình là hầu hết được đều được người dùng chấp thuận. Tóm lại, thay vì đưa ra các phần mềm, ứng dụng giúp người dùng bảo mật như trước đây, Google cần chú trọng tới việc thiết lập phương thức an toàn hoặc các cơ chế bảo mật nhiều lớp để tránh việc bị qua mặt dễ dàng như hiện nay.
2. Hiện thực hóa dự án Android Silver
Android Silver tại thời điểm hiện tại có thể xem là một dự án không chính thức của Google và đây cũng có thể chỉ là tin đồn. Một vài nguồn tin giấu tên cho hay, Google đang tiến hành tìm phương án để thay thế dòng điện thoại Nexus chạy hệ điều hành Android nguyên bản bằng thiết bị mới chạy Android Silver trong năm 2015. Trước việc các nhà sản xuất smartphone đang có xu hướng tùy chỉnh và cài đặt thêm các ứng dụng, chỉnh sửa giao diện, thay đổi trình duyệt và các dịch vụ cơ bản của Android, Google đã chuẩn bị những động thái nhất định.
Theo đó, Android Silver sẽ là sản phẩm mang dấu ấn của Google và việc thay thế Nexus sẽ nhắm vào quan điểm kinh doanh: Sự thành công của một smartphone mới phụ thuộc vào cách tiếp thị và xây dựng thương hiệu.
Một số nhà phân tích cho rằng Google sẽ tạo ra một Android Silver đẳng cấp với việc trang bị nhiều dịch vụ hơn cho người dùng. Các tính năng mới này sẽ tốt hơn so với những gì mà Nexus hay các nhà mạng đang thiết lập trên hầu hết các điện thoại Android. Gần đây, Google đã cố gắng nâng cấp nhiều dịch vụ của mình thay vì hệ điều hành Android. Và hãng cũng hy vọng rằng sự chậm trễ của hệ điều hành mới sẽ được đền bù bằng việc cung cấp nhiều tính năng cho người dùng cuối.
Theo đó, các nhà sản xuất thiết bị khác cũng có thể trở thành một phần của Android Silver khi chiến dịch tiếp thị và hỗ trợ của Google quá hấp dẫn. Có tin cho rằng LG và Samsung sẽ là 2 hãng đầu tiên tham gia vào dự án Android Silver này, còn HTC và Sony thì vẫn đang trong vòng thương thảo.
Giữ vững phong độ trên thị trường máy tính bảng
Ngày 28/4, hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics cho biết, số lượng các loại máy tính bảng (tablet) sử dụng hệ điều hành Android của Google được bán ra trong quý I/2014 chiếm 65,8% doanh số toàn cầu. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng của "quân đoàn Android" khi con số này của cùng kỳ năm ngoái chỉ là 53%.
Ngược lại với các máy tính bảng Android, doanh số bán iPad của Apple đã suy giảm từ 40,3% cùng kỳ năm ngoái xuống mức 28,4% trong quý I/2014. Trong khi đó, số liệu từ hãng Strategy Analytics lại cho thấy số lượng máy tính bảng được bán ra trong quý I/2014 đã tăng 19% đạt mức 57,6 triệu máy. Đồng nghĩa rằng sự suy giảm iPad không phải do suy thoái thị trường mà bởi sự cạnh tranh gay gắt. Theo Strategy Analytics, máy tính bảng Android đang có mức tăng trưởng ổn định và giờ đây các máy tính bảng Android đã chiếm 2/3 thị phần toàn cầu.
Theo các chuyên gia, trong vòng 1, 2 năm tới, máy tính bảng chạy Android sẽ vượt qua iPad của Apple, dù không mấy khởi sắc theo kiểu đột biến. Những con số thống kê trên cho thấy, Android dù chậm chạp nhưng đã có được những bước tiến vững chắc và đều đều tiến lên. Thêm vào đó, iPad của Apple cũng không thể "một tay che cả bầu trời" mãi mãi khi các hãng máy tính bảng bắt đầu thích thú hơn với Android, đặc biệt về khoản giá cả phải chăng hơn.
Nâng cao chất lượng ứng dụng Android
Nói về ứng dụng, iOS vẫn luôn là cái tên dẫn đầu. Điều này không chỉ có nghĩa số lượng ứng dụng tại App Store nhiều hơn trên Android Market, mà iOS còn có nhiều ứng dụng chất lượng và ít ứng dụng “rác” hơn Android Market. Tuy nhiên, mọi việc có thể sẽ thay đổi khi một lượng lớn các thiết bị Android đang trên đà chiếm đa số thị phần.
uTest, một công ty kiểm thử phần mềm có trụ sở tại Ba Lan, đã sử dụng một hệ thống mang tên Applause để tính điểm của các ứng dụng dựa vào đánh giá của người dùng trên kho ứng dụng của iOS và Android. Theo đó, điểm trung bình của các ứng dụng trên iOS là 68,5, nhỉnh hơn Android với điểm trung bình 63,3.
Trên thực tế, Android là nền tảng mở nên khi có quá nhiều loại thiết bị sử dụng hệ điều hành này từ các hãng sản xuất khác nhau, các lập trình viên cũng phải căn chỉnh ứng dụng của mình sao cho phù hợp với càng nhiều thiết bị càng tốt. Trong khi đó, ứng dụng trên iOS có thể hoạt động mượt mà vì chỉ được tối ưu hóa cho các thiết bị của Apple. Do đó, nếu không nhanh chóng thay đổi các chính sách cũng như nâng cao chất lượng ứng dụng thì chẳng mấy chốc, Android sẽ trở thành Symbian thứ hai trên thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Công Nghệ
Đăng nhận xét