Có nhiều người cảm thấy khó chấp nhận về cái chết và thường có cảm xúc tiêu cực mỗi khi nghĩ về điều này. Tuy nhiên, trong thực tế, việc nghĩ về cái chết khiến con người vui vẻ hơn và tăng thêm giá trị cuộc sống.
Sheldon Solomon - giáo sư tâm lý tại ĐH Skidmore ở New York cho biết, nhiều người trong chúng ta chưa thực sự trải qua cái chết, bởi vậy sẽ không hiểu hết được những điều đáng sợ về nó. Dù biết rằng cuối cùng chúng ta cũng sẽ chết, vậy sao ta không nâng cao nhận thức về cái chết để sống tốt, trọn vẹn và hạnh phúc hơn khi còn có thể.
Giáo sư tâm lý James Pennebaker thuộc ĐH Texas đã cùng đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu trên các sinh viên. Theo đó, người tham gia nghiên cứu sẽ phải viết về cái chết hay một chủ đề mà khiến họ tức giận mỗi tuần.
Hoặc không, họ có thể lựa chọn bỏ ra 5 - 10 phút mỗi ngày để trả lời câu hỏi cụ thể nhận được trong email. Hầu hết các câu hỏi sẽ phản ánh nhận thức cuộc sống ngắn ngủi và đưa ra những giả định như bạn có thể chết sớm hơn bạn nghĩ, những ưu phiền trong cuộc sống ảnh hưởng tới bạn như thế nào?
Sau 7 ngày, những sinh viên này sẽ hoàn thành một bài test đánh giá mức độ chi phối cảm xúc tích cực và tiêu cực. Qua đó, họ sẽ nói lên cảm nghĩ về bản thân mình cũng như khả năng điều tiết bản thân bởi các áp lực bên ngoài.
Các chuyên gia nhận định, bài kiểm tra trên có tác động tâm lý tích cực đến nhiều người thường nghĩ về cái chết. Cụ thể, những người tham gia được xếp vào nhóm "hay nghĩ về cái chết" đã nâng cao tâm trạng tích cực, gia tăng lòng tự trọng và động lực nội tại.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, nghiên cứu trên chỉ ra giá trị cuộc sống có quan hệ phức tạp với những suy nghĩ về cái chết. Khi mọi người suy nghĩ về cái chết, họ sẽ đánh giá cao cuộc sống hơn.
Nhà triết học người Đức - Martin Heidegger từng nói rằng, khi chúng ta nhận thức về cái chết, nó biến đổi chúng ta từ "tồn tại" sang "hiện hữu". Đó là, chúng ta chuyển từ sự lo lắng về làm thế nào mọi việc là như thế sang việc đánh giá cao mọi việc đang là như thế và chấp nhận nó.
Bởi vậy khi nghĩ về cái chết, nó khiến chúng ta muốn trở thành những người tốt hơn, muốn biến khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi trên thế giới này trở nên tích cực và có giá trị.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét