Sự cố này không hề mới, bởi hồi đầu năm 2013, Facebook đã từng thực hiện chiến dịch này. Lần này Facebook đóng cửa hàng loạt Fanpage về giải trí, cộng đồng và cả các trang của những doanh nghiệp kinh doanh ngành ẩm thực, thời trang. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng các trang bị đóng cửa, nhưng giới truyền thông mạng xã hội đang kháo nhau có không dưới chục Fanpage bị đóng cửa chưa truy cập được, số hoạt động trở lại thì có lượng thành viên giảm một cách thảm hại, chưa bằng một nửa so với lúc đầu.
Đi tắt không thể đón đầu!
Trước hết, xin nói sơ qua về cơ chế hoạt động của việc câu like và lý do vì sao Facebook không ưa việc này.
Câu like là một kỹ thuật với mục đích lấy các quyền share (chia sẻ), like (thích) và comment (bình luận) mà phần lớn là không có sự cho phép của người sử dụng Facebook để tương tác với Fanpage của các doanh nghiệp có nhu cầu. Với cách làm này, doanh nghiệp sẽ có một lượng lớn người hâm mộ trong thời gian ngắn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, hành động này được coi là cạnh tranh trực tiếp với việc kinh doanh của Facebook, khi mà từ đầu năm 2012, mạng xã hội này đã đẩy mạnh các gói quảng cáo để doanh nghiệp có thể tăng khả năng tiếp cận đến các khách hàng tiềm năng, từ đó tăng lượng fan trên Fanpage của các doanh nghiệp. Dĩ nhiên, cách làm này đắt hơn và tốn nhiều thời gian hơn so với việc câu like.
Ông Hoàng Giang, chủ trang web và Fanpage phukiengiare.vn nơi đang có hơn 70.000 thành viên, cho biết hiện nay có khá nhiều người xem số lượng thành viên trên các Fanpage của doanh nghiệp như là một tiêu chí thể hiện uy tín trong kinh doanh. Chính vì thế, theo ông Giang nhiều doanh nghiệp đã chọn cách mua like để rút ngắn thời gian, tăng lợi thế cạnh tranh.
Theo tìm hiểu của TBKTSG, đối tượng mua like thường thấy là các cửa hàng kinh doanh thời trang, chuỗi cửa hàng ăn uống dành cho giới trẻ. Gần đây nhất, một số Fanpage của doanh nghiệp nước ngoài cũng sử dụng hình thức câu like.
Đơn cử như trường hợp một Fanpage mua bán xe ô tô, xe máy mới vào Việt Nam hơn tháng đã có hơn 150.000 fan, nhưng mỗi câu status (trạng thái) của doanh nghiệp này chỉ có hai hoặc ba người like. Một chuyên viên tiếp thị có hơn hai năm kinh nghiệm trên Facebook ước tính, giả sử chỉ có khoảng 1% trong số fan của doanh nghiệp kinh doanh xe nói trên thấy được status, và trong số 1.500 fan này chỉ cần vài phần trăm người xem bấm like thì con số trên thực tế phải lớn hơn nhiều.
Câu like: lợi ít, hại nhiều!
Ngoài tiêu chí uy tín, Fanpage nào có số lượng thành viên đông sẽ đem lại tiềm năng kinh doanh rất lớn. Như trường hợp của hãng điện thoại MobiiStar. Hồi cuối năm 2013, công ty đã làm các chương trình tiếp thị trên Fanpage MobiiStar, ước tính có hơn 400.000 fan, cho mẫu điện thoại Touch Lai 504Q. Kết quả, doanh thu mẫu này tăng khoảng 20% từ sau Tết đến nay.
Cội nguồn của việc đóng cửa hàng loạt Fanpage bắt đầu khi Facebook cập nhật thuật toán xếp hạng EdgeRank vào tháng 12-2012. Theo trang web techcrunch.com, việc cập nhật này nhằm rà soát lại những trang hoặc những ứng dụng gây phiền phức cho người sử dụng.
Cách làm này của Facebook cũng giống như trang web tìm kiếm Google. Trang này cũng sử dụng thuật toán, có tên là PageRank, để phát hiện các trang web dùng các thủ thuật không đúng với quy định của Google để tăng thứ hạng trên kết quả tìm kiếm. Các trang web bị phát hiện, nhẹ thì bị biến mất trên trang web Google khoảng sáu tháng, nặng thì bị xóa khỏi kết quả tìm kiếm của Google vĩnh viễn.
Trên thực tế, các trang web này vẫn được hiển thị nếu sử dụng các trang web tìm kiếm khác như Bing của Microsoft hay Yahoo Search của Yahoo!... Nhưng rõ ràng ở vai trò thống trị thị phần công cụ tìm kiếm như Google thì việc mất tích trên kết quả tìm kiếm của trang này xem như mất cơ hội kinh doanh trên Internet của doanh nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là liệu kết quả tương tự có diễn ra ở các doanh nghiệp có lượng fan bằng cách câu like? Câu trả lời là rất khó.
Ông Trần Viết Quân, Giám đốc tiếp thị Công ty MobiiStar, cho biết để tăng khả năng bán hàng trên Fanpage, đòi hỏi các thành viên phải là những người thực sự quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Đây là cả quá trình từ lúc làm quen, kết thân, giới thiệu rồi mới kích thích mua hàng của doanh nghiệp đối với người sử dụng Facebook.
Ông Quân ước tính để có được những cái like của các fan là khách hàng tiềm năng, MobiiStar mất khoảng 900-2.500 đồng/like. Trong khi đó, các dịch vụ mua bán like chào hàng với mức giá chỉ 200 đồng/like. “Những cái like với giá như vậy rất khó trở thành khách hàng tiềm năng”, ông Quân nói.
Tương tự, ông Giang của phukiengiare.vn cho rằng, việc mua dịch vụ câu like đem lại nhiều thành viên nhưng đa số thành viên không biết doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, sản phẩm gì nên rất khó tăng doanh số. Đó là chưa kể hiện nay một số nhóm dùng phần mềm tạo ra tài khoản ảo rồi dùng các tài khoản đó tương tác với Fanpage doanh nghiệp có nhu cầu. Theo ông Giang, nếu dựa vào Fanpage được tạo ra theo cách nói trên để bán hàng thì coi như doanh nghiệp mất trắng vì các tài khoản tương tác không có thực.
Chuyên viên tiếp thị mạng xã hội của một công ty ở quận 1 cho biết hiện đang có nhiều trang Fanpage về cộng đồng, giải trí cũng rất thích có được số lượng fan lớn để bán bài quảng cáo cho các doanh nghiệp nên đã dùng đến dịch vụ câu like. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, chuyên viên này khuyên chủ các trang nên lưu ý cho dù có fan nhiều nhưng chưa chắc đã có thể kinh doanh hiệu quả. Bởi lẽ, khi mua bài quảng cáo, khách hàng còn cân nhắc các thành viên này có đúng là đối tượng họ muốn hướng đến hay không?
Nhưng điều quan trọng mà các doanh nghiệp khi dùng đến chiêu câu like phải nghĩ tới là rủi ro bị đóng Fanpage. Trong trường hợp Fanpage đang dần trở thành một kênh bán hàng khá hiệu quả thì việc bị ngăn truy cập là điều thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ăn uống đến từ Nhật Bản cho biết, Fanpage của anh từng bị đóng cửa cách đây không lâu cũng vì câu like. Công ty anh thuê đơn vị làm truyền thông bên ngoài quản lý Fanpage được một thời gian thì bị đóng cửa. Phải mất mấy tháng giải thích với Facebook, trang này của anh mới hoạt động trở lại. Không chia sẻ về doanh thu bị thiệt hại, anh chỉ cho biết là nếu không gặp sự cố nói trên, lượng fan của công ty có thể đã cao hơn.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang cho biết, công ty có thuê một người chuyên về quản lý Fanpage ở bên ngoài phụ trách việc này cho công ty. Nhưng thật không may, chưa kịp lên chương trình tiếp thị thì Fanpage của công ty bị khóa. Chủ doanh nghiệp trên cho biết có nhiều khả năng vì tài khoản của người quản lý đó chuyên sử dụng các dịch vụ câu like nên đã bị Facebook theo dõi.
Trên thực tế, cũng có doanh nghiệp sử dụng tuyệt chiêu vừa rút ngắn thời gian thu hút người hâm mộ trên Fanpage nhưng vẫn có lượng fan thực. Giám đốc một doanh nghiệp truyền thông không muốn nêu tên chia sẻ, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ câu like để tạo ra lượng fan ban đầu, sau đó dùng dịch vụ quảng cáo của Facebook để tiếp cận khách hàng tiềm năng, từ đó tăng lượng fan thực. Tuy nhiên, vị này cho rằng cách làm này phụ thuộc vào yếu tố may rủi vì không biết khi bị phát hiện Facebook sẽ hành động như thế nào.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Đăng nhận xét