Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, những ai dễ cảm thông và thấu hiểu người khác sẽ dễ bị "lây" ngáp hơn. Theo đó, những trẻ em bị tự kỷ, người vốn không mấy biểu lộ sự đồng cảm, sẻ chia sẽ ít lây ngáp hơn.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Elizabeth Cirulli thuộc ĐH Duke cùng các đồng nghiệp đã tiến hành thử nghiệm với 328 tình nguyện viên khỏe mạnh và khoảng 5 người có triệu chứng tự kỷ. Họ sẽ cùng tham gia một cuộc khảo sát nhân khẩu học, một bảng câu hỏi toàn diện về sự đồng cảm, độ nhiệt huyết...
Sau đó, những người tham gia cùng xem một đoạn video 3 phút có người ngáp và họ được ghi lại số lần ngáp khi xem video. Các chuyên gia phát hiện, một số cá nhân ít nhạy cảm, "lây" ngáp hơn so với người khác, còn người ngáp nhiều nhất là 15 lần.
Nghiên cứu đã chỉ ra những đối tượng nào dễ bị hiện tượng "lây" ngáp tác động và đối tượng nào có thể miễn dịch với chúng. Qua đó, các chuyên gia tìm hiểu được về yếu tố tâm lý khi người tham gia thử nghiệm ngáp, đồng thời tìm hiểu về cơ chế gây lây lan này.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà tâm lý học cũng phát hiện thêm một điều khá lạ lùng, các đối tượng tự kỷ thường không bị tác động bởi cơn ngáp. Họ dường như miễn dịch với các kiểu ngáp, cho dù đã bị tác động bằng hình ảnh, âm thanh hay cả hai thứ gộp lại.
Một nhà nghiên cứu khác cho rằng, cơ chế gây ngáp trước đây được cho là do thiếu oxy nhưng nó chưa hoàn toàn đúng. Việc nhìn, nghe thấy ngáp đã tạo ra một phản xạ nào đó, khiến chúng ta có xu hướng bắt chước một cách vô thức.
Những người có sự đồng cảm đã mang sẵn những ý thức về sự chia sẻ nên dễ dàng bị tác động hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn xem liệu những ảnh hưởng di truyền có góp phần vào căn bệnh "lây" ngáp này.
Mục tiêu lâu dài của các chuyên gia là mô tả những biến đổi trong căn bệnh "ngáp truyền nhiễm" cũng như xem cách thức hoạt động của con người nói chung bằng cách xác định cơ sở di truyền của tính trạng này.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLoS ONE.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét