Các chiến dịch tiếp thị trên di động tiêu biểu của thế giới đã được phân tích một cách sinh động bởi ông Nguyễn Đăng Ngọc (Đồng Giám đốc Điều hành mạng quảng cáo trực tuyến Admicro) trong buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên do Hiệp hội Mobile Marketing (MMA) tổ chức tại Việt Nam tháng 1 vừa qua.
Adidas Philippines tương tác khách hàng thành công với mobile game
Đầu năm 2013, Adidas Philippines quyết định sử dụng mobile để giới thiệu mẫu giày Boost mới của họ. Công ty cho phép người tiêu dùng chơi một trò chơi trên điện thoại di động. Với việc sử dụng mobile game, Adidas mong muốn kích thích khách hàng lựa chọn các loại giầy khác nhau cho các loại địa hình khác nhau.
“Thay vì chỉ hiển thị thông sản phẩm, Adidas Philippines đã tạo ra một quảng cáo tương tác dưới định dạng HTML5, trong đó người tiêu dùng có thể đặt ngón tay trên màn hình và chạy bằng những đôi giày khác nhau trên các địa hình và thời tiết khác nhau", bà Shayne Garcia - Cố vấn chiến dịch cho biết.
Định dạng quảng cáo này còn giúp người dùng so sánh kết quả của mình với những người dùng khác gần họ dựa vào tính tăng định vị địa điểm và thể hiện trên bản đồ. Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng click vào quảng cáo, người dùng được dẫn đến mobile site của Adidas hoặc "Like" trang Fanpage của công ty hoặc chia sẻ điểm số (quảng cáo) qua Facebook.
Chiến dịch của Adidas đã tạo CTR trung bình là 1,27%, có khi lên tới 2,02%. Thời gian trung bình người dùng tham gia chơi game là hơn 60 giây. Chiến dịch tạo ra 1.220.346 672.054 lượt hiển thị đến từ các thiết bị iOS và 548.292 đến từ các thiết bị Android. Đây là kết quả ngoài sức tưởng tượng cho nhãn hiệu - điều khó đạt được nếu chỉ dùng định dạng quảng cáo banner.
Khi đồng hồ đếm ngược về con số 0 là lúc bạn nên bắt đầu chạy với các ngón tay khác nhau của mình
Hãng bảo hiểm Bradesco với chiến dịch Fake Ad
Bradesco, một nhà cung cấp bảo hiểm ở Brazil, đặt quảng cáo trên phiên bản mobile và máy tính bảng của các tạp chí điện tử về ô tô. Nhìn qua, màn hình trông có vẻ như là một poster quảng cáo xe hơi bình thường trên tạp chí. Khi người dùng cố gắng lật trang bằng cách di ngón tay sang trái thì chiếc xe cũng bị đẩy giật cục về phía trái này và bị đâm nát đầu xe. Khẩu hiệu quảng cáo hiện ra: "Có những sự kiện không ai có thể ngờ tới. Đừng chần chừ giao dịch bảo hiểm xe hơi với Bradesco!”
Quảng cáo được đánh giá là sáng tạo, thú vị, tạo hiệu quả cao và được “dân” trong ngành gọi là “Fake Ad” (Quảng cáo đánh lừa). Tuy nhiên, cũng vì lẽ đó, nhiều chuyên gia khuyên các nhãn hàng không nên quá lạm dụng hình thức này, lâu dài có thể gây phiền hà tới độc giả.
Chok! Chok! Chok! – TVC tương tác kết hợp giữa Mobile và TV
Nhận ra việc ngày càng ít người xem TV truyền thống, Coca-Cola Hong Kong đã thay đổi trải nghiệm TV của người tiêu dùng trong thời đại số với chiến dịch quảng cáo mùa hè của họ mang tên “Chok! Chok! Chok!”. Trong đó, “Chok” có nghĩa là vận động nhanh - từ lóng mới nhất được sử dụng bởi cộng đồng tuổi teen ở Hong Kong (thời điểm 2012).
Câu chuyện bắt đầu khi Coca-Cola tận dụng sự phổ biến của từ lóng này và tạo ra một ứng dụng tương tác (dạng game) để giới trẻ có thể bắt được những nắp chai được bật ngay từ chính màn hình TV của họ và lập tức nhận ngay những phần quà giá trị. Chiến dịch này đã thực sự biến TVC truyền thống thành quảng cáo game tương tác đầu tiên ở Hong Kong và Châu Á
Với hơn 400.000 lượt downloads, ứng dụng leo lên số 1 trong top downloaded apps chỉ sau ngày đầu tiên phát hành. Lượt xem quảng cáo TVC tăng đáng kể thông qua TV, YouTube và mạng xã hội Weibo với 9 triệu views. Với chiến dịch này, Coca-Cola đã tạo nên quảng cáo TVC thành công nhất trong vòng lịch sử 35 năm qua của nhãn hàng tại Hong Kong.
Nguồn: Admicro & Hiệp hội Mobile Marketing Việt Nam MMA
Đăng nhận xét