Ngày bé, chỉ mong lớn lên nhanh thật nhanh, đến cái tuổi đi làm để đỡ đần cha mẹ, được tung hoành ngang dọc thỏa sức, được đi đây đi đó.
Ngày bé, mỗi lần Tết đến Xuân về, lòng háo hức kỳ lạ, muốn được mua sắm đồ chơi Tết, được diện quần áo đẹp, được đi khắp xóm làng để chúc tụng hỏi han.
Ngày bé, ý niệm về Tết là những phiên chợ cuối năm, theo mẹ chọn lá dong cành đào, là tíu tít nói cười với lũ trẻ, là hứa hẹn nhiều cho một năm mới đến.
Nhưng rồi khi trở thành người lớn, cũng bắt đầu đi học, đi làm xa nhà, lại muốn hóa bé lại, nhỏ dại quấn lấy chân mẹ, không muốn rời xa nữa.
Có những ngày Tết không được về nhà, không được đi phiên chợ quê, không được thức canh nồi bánh chưng đêm ba mươi, chỉ biết gọi điện về nghe giọng mẹ mà mừng mừng tủi tủi. Có những ngày Tết đành ngậm ngùi nhìn cảnh tàu xe đi xuôi về ngược, người mang balo kẻ đem hành lý, tất bật về quê với họ hàng. Rồi những ngày Tết đó niềm vui không trọn vẹn, lòng canh cánh nỗi niềm.
Bây giờ đủ lớn để Tết về không còn muốn mua những món đồ chơi mới, cũng tự mình có thể sắm sửa quần áo cho riêng mình.
Bây giờ đủ lớn để lo mỗi một năm mới đến tóc mẹ cha thêm nhiều sợ bạc, sợ tay cha run và chân mẹ mỏi, chỉ lo cho những lần cha mẹ ốm, sức khỏe không còn như những ngày mình thơ bé.
Mẹ lại khuyên về đi con! Công việc tất bật ngần ấy tháng trời cũng chỉ mong được nghỉ ngơi dăm ba ngày Tết. Từ người giàu đến kẻ nghèo, không ai không muốn về tề tựu gia đình, chung vui mâm cơm tiễn năm vừa qua, đón năm mới đến.
Mẹ thương con không được đón Tết cùng cả nhà, lo cho con một nơi xa không có ai ở lại cùng bầu bạn. Mẹ thương đứa con ăn một cái Tết xa quê, không còn trọn vẹn nghĩa của từ no đủ yên vui. Mẹ nói mẹ thương, nên về đi con!
Theo Pháp Luật Xã Hội
Đăng nhận xét