Một đặc tính khiến con người trở nên hoàn toàn khác biệt với các loài động vật khác chính là chúng ta luôn đánh giá bản thân quá cao. Tuy nhiên, chúng ta lại quên mất rằng con người cũng chỉ là một loài động vật.
Điều này càng được khẳng định thêm khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng, rất nhiều loài động vật cũng biết thể hiện tình cảm, tính cách và có hành động như con người.
1. Thể hiện sự đồng cảm
Nhiều người cho rằng, loài chuột vốn nổi tiếng háu ăn và xấu tính. Chuột không biết cách hợp tác cùng đồng đội hay thiết lập một xã hội chung mà chỉ biết chạy toán loạn, sục sạo khắp thùng rác và khi kiếm được mồi ngon thì chỉ giữ khư khư cho riêng mình.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Các nhà khoa học đã phát hiện ra một tính cách hoàn toàn trái ngược khi áp dụng phương pháp “tra tấn” tâm lý trên loài động vật này. Thí nghiệm được thực hiện với hai con chuột từng ở chung một lồng. Một con bị các nhà khoa học giam trong lồng kính, còn con chuột còn lại được thả tự do.
Con chuột “tự do” bắt đầu cố gắng tìm mọi cách để giúp bạn thoát ra ngoài và thậm chí còn không đụng tới đồ ăn mà các nhà khoa học mang cho. Khi bạn mình được thả, nó đã chia cho bạn một phần thức ăn. Điều này cho thấy, chuột có một sự đồng cảm rất lớn với đồng loại của mình và sẵn sàng chia sẻ vì lợi ích chung.
2. Tiếc thương và chôn cất
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, tinh tinh, voi và sói thường bày tỏ niềm tiếc thương mỗi khi đồng loại ra đi. Chúng thường bị mất ngủ, trở mình liên tục mỗi đêm khuya và thậm chí còn cố tình tránh nơi mà bạn mình đã qua đời.
Đặc biệt hơn, cả bầy sói có cách thể hiện cảm xúc rất riêng. Mỗi khi một con sói trong bầy chết, chúng thường tru một mình chứ không theo bầy, đuôi và đầu của chúng sẽ cúi thấp xuống. Cả bầy cũng di chuyển chậm chạp hơn, không con nào còn muốn nô đùa.
Cả ba loài động vật có điểm chung là đều tìm nơi chôn cất cho đồng loại, riêng loài voi còn có nghi thức đưa tang riêng: chúng chạm vào xác của người bạn đã khuất như một lời tiễn biệt.
Một chú voi dùng vòi ôm lấy chiếc ngà của người bạn đã chết, đứng đó hàng giờ liền để canh không cho linh cẩu đến gần.
3. Biết trả thù
Vào năm 1997, trong một lần đi săn, Vladimir Markov - quý ông người Nga này đã bắn thương một con hổ và "cướp" đi một phần chiến lợi phẩm của nó. Tuy nhiên, con hổ đã trốn và sau đó tìm ra chỗ ở trong rừng của Markov.
Khi chưa tìm thấy Markov, con hổ bắt đầu “ị” lên tất cả những đồ vật có mùi của người đàn ông này, sau đó ngồi đợi. Khi Markov về đến nơi, người đàn ông xấu số đã không trốn thoát khỏi nanh vuốt của con hổ.
4. "Gieo trồng, thu hoạch"
Trồng trọt là nền tảng của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, động vật cũng đã khai phá nền văn minh này được hàng triệu năm. Kiến bắt sâu bướm sau đó tập hợp thành đàn rồi nuôi lớn trong những khoang rỗng dưới lòng đất. Sau đó, kiến sẽ “thu hoạch” chất bài tiết có chứa đường của sâu bướm để dùng làm thức ăn.
5. Tìm đến hơi men khi thất tình
Nhiều người thường tìm đến rượu bia để giúp quên đi nỗi buồn của một cuộc tình đổ vỡ. Đáng ngạc nhiên là điều này cũng xảy ra với loài ruồi.
Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm bằng cách cho hai con ruồi đực vừa "tiếp xúc" với con ruồi cái hai loại thức ăn: một loại bình thường và một loại pha rượu. Họ nhận ra rằng, con ruồi đực bị từ chối lao đến phần thức ăn có chứa cồn, trong khi con ruồi đực may mắn được giao ban với ruồi cái lại không hề “kén cá chọn canh” và sẵn sàng ăn bất cứ loại thức ăn nào.
6. Có khiếu hài hước
Những nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Washington đã để ý tới tiếng kêu tần sóng siêu âm của chuột khi chơi đùa với nhau. Sau đó, họ đã thử cù những con chuột này và phát hiện ra, đó chính là tiếng cười của chúng. Điều này phần nào chứng minh được, loài chuột có khiếu hài hước.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi tinh tinh chơi "ú òa" với nhau và nhận ra rằng, động vật không chỉ biết cười mà còn biết cách khiến đối phương bật cười.
7. Chế độ một vợ một chồng
Một số loài động vật gắn bó trọn đời với nửa kia của mình, chúng cùng nhau nuôi dưỡng và bảo vệ đàn con. Nghiên cứu chỉ ra rằng, thậm chí sau khi người bạn đời hết, chỉ khoảng 20% sếu vợ/chồng còn lại đi tìm con khác, và cũng chỉ có một trường hợp ghi nhận rằng, sếu biết "ngoại tình".
8. Biết dạy dỗ con cái
Hầu hết các loài động vật đều dạy, học thông qua quá trình quan sát và bắt chước. Tuy nhiên, chồn đất Châu Phi (meerkat) lại có phương pháp dạy học riêng. Thay vì để meerkat con hành động theo bản năng và có thể gặp nguy hiểm vì sơ suất, bố, mẹ meerkat sẽ kiểm soát chúng bằng cách mang những con bọ cạp gần chết về hang để con tập săn.
Khi meerkat con đã tiến bộ hơn, chúng sẽ mang về những con bọ cạp to, có sức sống hơn và chỉ đến khi nào cảm thấy yên tâm, chúng mới thả các con đi tự do săn bắt.
9. Tự ý thức về bản thân
Nhận diện bản thân từ lâu đã được coi là đặc điểm riêng của con người. Có rất ít loài động vật có khả năng nhận thức được bản thân khi soi gương, đồng nghĩa với việc chúng không thể nhận ra hình ảnh trong gương phản chiếu chính mình.
Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, khỉ không đuôi, vượn, voi, chim ác là và một số loài cá voi có khả năng nhận thức được bản thân khi soi gương. Thậm chí, chúng còn biết nhìn vào hình ảnh phản chiếu để chạm vào các bộ phận trên cơ thể. Điều đáng ngạc nhiên là con người khi tới 18 tháng tuổi mới có thể nhận thức được điều này.
10. “Phê pha”
Nhiều người cho rằng, chỉ có con người mới sử dụng những dược phẩm tiêu khiển như cần sa. Tuy nhiên, loài cá heo cũng thích được “phê pha”. Cá heo săn bắt cá nóc và giữ cho chúng còn sống để sử dụng chất độc tiết ra từ loài cá này để tạo ảo giác.
11. Hình thành ngôn ngữ
Động vật linh trưởng, cá voi, chim và mực ống đều sử dụng âm thanh riêng biệt để nhận dạng đối tượng. Động vật linh trưởng thậm chí còn sử dụng ngữ pháp khi nói hay vài loài còn có ngôn ngữ riêng.
Con tinh tinh tên Washoe có thể học 350 từ thuộc ngôn ngữ kí hiệu của Mỹ và sử dụng những từ này để tạo ra câu phức. Khi được huấn luyện viên ra dấu hiệu “em bé của tôi đã qua đời”, Washoe nhìn xuống một lúc rồi sau đó ra dấu “khóc” và chạm vào ngực.
12. Phát âm theo đúng trọng âm
Trọng âm là một phần của giao tiếp và cũng được coi là đặc điểm riêng của con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, cá heo ở vùng biển phía Đông và Tây Scotland phát ra âm thanh có độ trầm bổng khác nhau khi săn mồi.
13. Trì hoãn vì lười biếng
Các nhà nghiên cứu đã cho chim bồ câu lựa chọn một trong hai lịch làm việc: một bắt đầu với việc thực hiện một nhiệm vụ nhỏ, sau đó phải đợi một lúc mới được ăn; hai là đợi một lúc lâu rồi thực hiện một nhiệm vụ khó và được ăn luôn.
Hầu hết những chú chim đều chọn phương án thứ hai, cho dù có phải làm nhiệm vụ khó hơn.
Theo Pháp Luật Xã Hội
Đăng nhận xét