Nếu nếm sản phẩm PowerBar những ngày đầu tiên, có thể bạn đã bị mắc nghẹn. Người sáng tạo ra thức ăn dinh dưỡng bổ sung này là Maxwell, ông biết sản phẩm của mình chưa đạt đến mức tối ưu.
Tuy nhiên, nhận được thông tin phản hồi về phiên bản đầu tiên, ông đã có thể sửa đổi nó, thay đổi gói mẫu mã và chiến lược tiếp thị thành công. PowerBar cuối cùng đã trở thành một doanh nghiệp trị giá 150 triệu USD và tạo ra một thế hệ thực phẩm năng lượng đáng giá 1 tỷ USD.
Gần đây, cách cố ý tung ra sản phẩm không hoàn hảo của Maxwell đã được nhiều công ty áp dụng như một chiến thuật sáng tạo mới. Thay vì đầu tư cho nghiên cứu thị trường, các công ty chỉ bắt đầu với một sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP), để có được sản phẩm với chi phí thấp nhất và tung ra thị trường nhanh nhất.
Ngay cả khi nhiều người không mua sản phẩm đó, phương pháp tiếp cận này vẫn tạo ra phản hồi cụ thể về các đặc điểm riêng biệt, đưa ra kế hoạch chi tiết cho mẫu thiết kế cuối cùng.
Cố lãnh đạo của Apple, Steve Jobs, đã từng nói: "Thành công của Apple không phải là do may mắn hay do sự sáng chế thiên tài, mà là kết quả của quá trình thử nghiệm một loạt các nguyên mẫu ban đầu và phân tích phản hồi của người dùng trước khi đưa ra lựa chọn những sản phẩm tốt nhất của công ty".
Đó là cách đưa ra sản phẩm không hoàn hảo để có một sản phẩm hoàn hảo nhất. Còn đưa một sản phẩm "không hoàn hảo" ra thị trường lại là xu hướng quảng cáo của năm 2014 như trong báo cáo của Công ty Quảng cáo Mỹ JWT nhận định.
Công ty này dự đoán rằng "tự hào không hoàn hảo" hay "vẻ đẹp là rất nhàm chán" sẽ trở thành xu hướng marketing, quảng cáo của nhiều nhãn hàng, bao gồm cả lĩnh vực thực phẩm.
"Tự hào không hoàn hảo" hay "vẻ đẹp là rất nhàm chán" sẽ trở thành xu hướng marketing, quảng cáo của nhiều nhãn hàng, bao gồm cả lĩnh vực thực phẩm.
Thực tế, những sản phẩm thô ráp giống như làm thủ công đang được ưa chuộng, từ món pizza "không hoàn hảo" của hệ thống fastfood Domino đến món trứng không hình dạng trong nhà hàng của McDonalds. Sáu trong 10 người trong khảo sát của JWT nói rằng "thích hàng hóa có một chút thiếu sót hoặc không hoàn hảo "; bảy người "tìm thấy vẻ đẹp trong sai sót".
"Sự thiếu hoàn hảo và thậm chí hoàn toàn kỳ quặc, lộn xộn và thiếu sót đang là xu hướng mới trong một thế giới từ lâu đã rất gọn gàng, bóng bẩy", báo cáo của JWT nhấn mạnh. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng từ chối sự hoàn hảo để chấp nhận sự sai sót nhưng chân thực.
Trong thực phẩm, người tiêu dùng Mỹ sẽ thấy nhiều thức ăn có vẻ không hoàn hảo. Ví dụ, món gà tây trong thực đơn Oscar Mayer sắp ra mắt cắt dày và không đồng đều, thậm chí là trông như đồ ăn thừa. Nhưng như JWT cho biết, để có được món ăn "xấu xí” này, Oscar Mayer mất hai năm nghiên cứu. Cái gọi là sự không hoàn hảo của sản phẩm là như có chủ ý.
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn
Đăng nhận xét